Thẻ BHYT điện tử sẽ thay thế thẻ BHYT giấy vào năm 2020 |
Tiết giảm chi phí và đẩy mạnh cải cách hành chính
Theo ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, BHXH Việt Nam, cơ quan này có trách nhiệm rà soát, đơn giản hồ sơ, quy trình và thủ tục kê khai thu, cấp sổ, thẻ và chi BHXH, BHYT, áp dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa các cơ quan BHXH của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, tạo lập cơ sở dữ liệu BHXH tập trung của cả nước, tiến tới giao dịch điện tử đối với các thủ tục kê khai, thu nộp và giải quyết chính sách BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, sẽ thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử, tiến tới tích hợp các thông tin BHXH, bảo hiểm thất nghiệp vào một thẻ điện tử chung.
Người bệnh khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, hoặc đến các cơ quan để giải quyết chế độ hưởng BHXH, cơ quan chức năng sẽ dùng đầu đọc thẻ để hiển thị các thông tin của chủ thẻ nhằm giải quyết công việc. Khi cấp thẻ BHYT điện tử, người dân có thể tra cứu quyền lợi BHYT của mình, tra cứu lịch sử khám, chữa bệnh từ cổng thông tin điện tử của ngành BHXH.
BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, sớm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả BHXH, BHYT. Hệ thống CNTT của BHXH được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế. Đã giảm mạnh thời gian nộp BHXH của các doanh nghiệp từ 335 giờ/năm trước đây xuống còn 45 giờ, giảm từ 115 bộ TTHC xuống còn 28 bộ. |
Các chuyên gia y tế cho rằng, việc sử dụng thẻ BHYT điện tử giúp cơ sở y tế phát hiện các trường hợp trùng thẻ, thẻ vi phạm bị thu hồi. Trong trường hợp thẻ được cấp nhưng chưa đến tay người tham gia BHYT hoặc người bệnh quên thẻ thì người tham gia BHYT chỉ cần đọc mã số thẻ, bệnh viện sẽ giải quyết chế độ khám, chữa bệnh như bình thường.
Việc cấp thẻ BHYT điện tử sẽ yêu cầu các thông tin định danh như ảnh, vân tay, mã vạch... sẽ chặn đứng hành vi lợi dụng, mượn thẻ BHYT, làm giả thẻ để trục lợi quỹ BHYT.
Theo ông Đức, việc cấp thẻ BHYT điện tử sẽ tiết kiệm được chi phí cho ngành. Lâu nay, thời hạn sử dụng thẻ BHYT của từng nhóm đối tượng ghi trên thẻ giấy có thể là 3 tháng, 6 tháng, một năm, hết thời hạn sử dụng, cơ quan BHXH phải cấp lại thẻ, gây tốn kém chi phí in, chuyển phát, mất nhiều thời gian của cán bộ BHXH. Do cấp dồn vào một thời điểm, cho nên một số địa phương đã có tình trạng cấp chậm, cấp sai đối tượng, sai thông tin trên thẻ. Tỷ lệ thẻ cấp đổi hàng năm do rách, hỏng cũng tương đối lớn. Hơn nữa, việc sử dụng thẻ này đồng nghĩa với việc người bệnh đã có mã định danh liên thông tại các cơ sở y tế và cơ sở bảo hiểm có liên quan, khi đến cơ sở khám chữa bệnh không cần mang theo giấy tờ tùy thân có ảnh như hiện nay.
Hiện thực hóa BHYT điện tử
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, Nghị định 146/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT vừa được Chính phủ ban hành giao BHXH Việt Nam chủ trì xây dựng thẻ BHYT điện tử. Trong 2 năm vừa qua, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ và xây dựng thẻ BHYT điện tử sẽ là một bước đột phá của ngành. Thẻ BHYT điện tử ra đời sẽ mang lại nhiều hơn sự thuận tiện cho người dân.
Ông Ánh cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao cho BHXH VN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử. Thủ tướng yêu cầu thẻ BHYT phải có gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương liên quan.
“Hiện, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu cấp thẻ BHYT điện tử như kế hoạch đề ra. Đến 1/1/2020 chắc chắn sẽ phát hành thẻ BHYT điện tử đến với người dân theo đúng quy định”, ông Ánh nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận