Hạ tầng

Phương án mới di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra sao?

14/11/2019, 12:47

Đà Nẵng vừa lên phương án mới về việc di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố, thúc đẩy phát triển KT-XH, rút ngắn hành trình tàu chạy.

img
Đà Nẵng có phương án mới về di dời ga đường sắt Đà Nẵng

Ngày 14/11, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết, đã chủ trì họp và có phương án trình UBND TP Đà Nẵng để báo cáo Thường trực Thành ủy Đà Nẵng về chủ trương thực hiện dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị theo hình thức BT.

Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng được đưa vào Nghị quyết của Bộ Chính trị, coi đây là công trình trọng điểm, mang tính động lực phát triển vùng.

Theo kế hoạch, việc di dời này sẽ tạo tiền đề phát triển cảng Liên Chiểu, kết nối thuận lợi giữa cảng Liên Chiểu với hệ thống đường sắt quốc gia, đường cao tốc, tạo động lực để phát triển khu vực phía Tây và Tây Bắc của thành phố.

Tổng diện tích khu ga mới: 95,1 ha, trong đó: diện tích nhà ga là 43,1 ha và diện tích phát triển đô thị là 50 ha. Tuyến đường sắt di dời có tổng chiều dài 28,81km (theo chiều dài tuyến cũ). Điểm đầu tại Km 777+250 (phía sau ga Kim Liên cũ, đường sắt rẽ đến KCN Liên Chiểu); điểm cuối: Km 806+100 (Sau ga Lệ Trạch).

Trong đó, sẽ xây dựng mới đoạn đường sắt với chiều dài 18,8km và cải tạo 7 km đường sắt cũ cùng với việc đầu tư nhà ga, 5 cầu đường sắt vượt sông Cu Đê và 5 cầu đường bộ.

Dự án này phân khai thành 2 dự án nhỏ, gồm: Dự án di dời đường sắt quốc gia và nhà ga (do Trung ương đầu tư) và Dự án tái phát triển đô thị (do địa phương đầu tư - WB).

Theo đó, phương án di dời ga đường sắt gồm 2 tiểu dự án. Tiểu dự án 1 là di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, đầu tư theo hình thức BT với 3 hợp phần chính.

Hợp phần 1 là di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố, đưa về phía Tây, xây dựng mới tuyến đường sắt qua thành phố và các công trình trong ga.

Ở hợp phần 2, sau di dời nhà ga cũ ra khỏi trung tâm thành phố, khu vực nhà ga hiện trạng sẽ được quy hoạch theo hướng tích hợp, tăng cường các tiện ích đô thị cho khu vực trung tâm thành phố.

“Xung quanh nhà ga đường sắt mới đầu tư các cơ sở hạ tầng đô thị theo hướng phát triển tích hợp, định hướng giao thông, cải thiện hạ tầng đô thị và nâng cao điều kiện sống cho người dân; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng cường kết nối đường sắt với các KCN, khu công nghệ cao, đường cao tốc, cảng biển Liên Chiểu...; tăng cường kết nối giao thông với trung tâm thành phố, đặc biệt là kết nối bằng phương thức vận tải công cộng”, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết.

Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết thêm, hợp phần 3 là “Tái phát triển đô thị hành lang tuyến đường sắt hiện trạng”, sau khi di dời tuyến đường sắt về phía Tây, thành phố sẽ tận dụng lại hành lang đường sắt cũ tái phát triển thành các trục giao thông chính theo hướng Bắc -Nam và trung tâm thành phố đến khu vực Tây - Bắc.

Cụ thể, xây dựng trục giao thông chính (đại lộ) với mặt cắt ngang dự kiến 33m (gồm 6 làn xe) để kết nối các khu vực, đồng thời là tuyến vận tải công cộng trong tương lai. Tái phát triển đô thị 2 bên hành lang tuyến đảm bảo mỹ quan, hiện đại; xây dựng các khu tái định cư để phục vụ cho nhu cầu tái định cư cho hợp phần này cũng như cho toàn bộ dự án…

Đối với Tiểu dự án 2 sẽ tập trung đền bù giải tỏa phục vụ dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, sử dụng nguồn vốn ngân sách TP Đà Nẵng. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến là 12,6 nghìn tỉ đồng.

Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, việc di dời ga sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân, giảm thiểu TNGT, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện đi lại của người dân, rút ngắn hành trình, thời gian tàu chạy Bắc-Nam…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.