Cuối tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khẩn thiết đề nghị Mỹ cung cấp cho Kiev máy bay chiến đấu để đối phó với đà tiến quân của Nga và giúp Ukraine duy trì quyền kiểm soát không phận của nước này.
Đáp lại yêu cầu trên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đã "bật đèn xanh" cho ý tưởng này và hiện đang "rất, rất tích cực" xem xét một kế hoạch đa quốc gia. Theo ý tưởng này, nước láng giềng của Ukraine là Ba Lan sẽ cung cấp cho Kiev các máy bay chiến đấu thời Liên Xô và đổi lại, Ba Lan sẽ nhận được các tiêm kích tối tân F-16 của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh - AP
Tuy nhiên, đề xuất này tiềm ẩn nhiều rủi ro và về phía Ba Lan, họ dường như không mấy nhiệt tình, thậm chí đã bác bỏ. Lí do là vì Moscow từng cảnh báo, việc hỗ trợ lực lượng không quân của Ukraine sẽ bị Nga coi là hành động tham gia vào cuộc xung đột và Nga có thể trả đũa.
Tại sao Ukraine cần máy bay chiến đấu nhưng không phải chiến cơ Mỹ?
Trong bối cảnh giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, lực lượng không quân Ukraine đang sử dụng máy bay chiến đấu phản lực Mig-29 và Sukhoi do Liên Xô sản xuất để phòng vệ.
Chiến cơ Mig-29
Vốn quen với các thế hệ máy bay do Liên Xô sản xuất, các phi công quân sự của Ukraine không được đào tạo và chưa hề có kinh nghiệm lái máy bay chiến đấu phản lực của Mỹ dù các loại khí tài này được trang bị hiện đại hơn các máy bay Mig-29 và Sukhoi hiện đang được các nước Liên Xô cũ là Ba Lan, Bulgaria và Slovakia (đều đã gia nhập NATO) sử dụng.
Các phi công Ukraine có thể lái Mig-29 ngay lập tức, nhưng Ba Lan không muốn thiệt hại nhiều máy bay như vậy khi họ chưa có phương tiện thay thế.
Trong khi đó, theo kế hoạch lâu dài, tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất sẽ là trụ cột của lực lượng không quân Ba Lan khi họ hiện đại hóa quân đội.
Vì sao Ba Lan ngập ngừng?
Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết Ba Lan đã được "bật đèn xanh" để gửi máy bay đến Ukraine.
Ông Blinken nói: “Hiện tại chúng tôi đang tích cực xem xét câu hỏi về máy bay mà Ba Lan có thể cung cấp cho Ukraine và cách chúng tôi có thể hỗ trợ nếu Ba Lan quyết định thực hiện điều đó. Tôi chưa thể đưa ra mốc thời điểm cụ thể nhưng tôi có thể nói với bạn rằng chúng tôi đang xem xét vấn đề này rất, rất tích cực."
Tuy nhiên, Ba Lan ngập ngừng khi đưa ra phản ứng.
Trước Ba Lan, các thành viên châu Âu khác cũng đưa ra những lời từ chối tương tự như Bulgaria và Slovakia. Thậm chí, Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell ngày 1/3 cũng từng nói rằng: “Mặc dù máy bay chiến đấu là "một phần trong đề nghị viện trợ Ukraine gửi đến EU, nhưng EU không có đủ phương tiện tài chính để chi trả cho việc này. Thay vào đó, chúng có thể được tài trợ theo dạng thức “song phương” riêng lẻ.”
Vào thời điểm đó, một quan chức Romania, nước cũng đang sử dụng máy bay từ thời Liên Xô, không đưa ra bình luận gì về vấn đề này.
"Về việc gửi máy bay, tôi chỉ có thể nhắc lại rằng chưa có quyết định nào được đưa ra về chủ đề này", một phát ngôn viên của chính phủ Ba Lan cho biết.
Chính phủ Ba Lan cũng bác bỏ những gợi ý về việc nước này có thể tạo điều kiện cho các máy bay chiến đấu của Ukraine sử dụng sân bay của họ.
Hiện tại, các hành động ủng hộ của Ba Lan cho Ukraine được thể hiện ở mặt chính trị, ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, và về các vấn đề nhân đạo, mở cửa biên giới cho những người tị nạn từ Ukraine.
Phản ứng của Ba Lan là có thể hiểu được khi Nga từng cảnh báo các nước láng giềng của Ukraine rằng không nên tiếp nhận máy bay chiến đấu Ukraine di chuyển lãnh thổ của họ và Moscow có thể coi hành động đó là "tham gia vào cuộc xung đột quân sự".
Nếu tình huống đó xảy ra, sự thù địch giữa các bên sẽ leo thang và Nga có thể mở rộng khả năng trả đũa.
Ba Lan tiếp giáp vùng đất Kaliningrad của Nga và có đường biên giới tương đối dài với đồng minh thân cận của Nga là Belarus. Trong khi đó, quan hệ giữa Warsaw và Moscow cũng không mấy thân thiện kể từ khi chính phủ cánh hữu lên nắm quyền ở Ba Lan vào năm 2015.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều câu hỏi về hậu cần trong quá trình chuyển giao máy bay cho phía Ukraine.
Một trong những vấn đề chính là những chiếc Mig-29 này, nếu được chuyển giao, sẽ được tập trung ở đâu vì không thể thực hiện trên lãnh thổ NATO. Bởi đây cũng có thể bị Nga coi là tín hiệu NATO can dự vào cuộc xung đột hiện tại.
Một câu hỏi khác là làm thế nào để chuyển máy bay đến Ukraine.
Các phi công Ba Lan, cũng là phi công NATO, không thể trực tiếp lái chiến cơ này đến Ukraine vì sẽ cho thấy sự tham dự của NATO. Việc cử phi công Ukraine đến Ba Lan để đưa máy bay trở lại cũng dấy lên các vấn đề tương tự.
Và chưa rõ liệu Ukraine có thể cất giữ, bảo quản máy bay an toàn về lâu dài hay không, trong bối cảnh khủng hoảng vẫn đang leo thang.
Ngoài ra, quá trình sản xuất tiêm kích F-16 vẫn đang bị trì trệ và sẽ cần phải chờ đợi chưa rõ bao lâu để nhận loại máy bay mới này.
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đã tóm tắt những vấn đề này qua câu nói: "Có nhiều vấn đề phức tạp liên quan, không chỉ đơn giản là bàn giao. Bạn phải lái máy bay tới và hạ cánh ở đâu trên mặt đất?".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận