Giải ngân cao nhất nhóm ban quản lý dự án
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ghi nhận và chúc mừng những kết quả mà cán bộ, viên chức, người lao động Ban QLDA Thăng Long đạt được trong năm vừa qua.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại hội nghị
Theo Thứ trưởng, năm 2021 là một năm rất khó khăn đối với cả nước nói chung, ngành GTVT nói riêng. Công tác phát triển hạ tầng giao thông gặp không ít trở ngại trong vấn đề cung cấp vật tư, duy trì nguồn nhân lực thi công,… khi các địa phương thực hiện các biện pháp phòng dịch.
"Năm 2021, Ban QLDA Thăng Long còn làm rất tốt công tác quản lý chất lượng, thủ tục các dự án khi đã không để nảy sinh bất cứ vấn đề nào trong quá trình thanh tra, kiểm toán. Đây là một trong những vấn đề luôn được Bộ GTVT quan tâm và yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông.
Tuy vậy, Ban QLDA Thăng Long đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao dù sau quá trình rà soát, kiện toàn bộ máy, sắp xếp lại mô hình, nguồn nhân lực đã giảm đi hơn 20 người (hiện còn146 người).
“Tổng kế hoạch vốn được giao có thể gấp 2,5 lần tổng vốn kế hoạch của hai ban QLDA khác cộng lại, song, kết quả giải ngân lại cao nhất trong nhóm ban QLDA của Bộ GTVT.
Đối với các dự án quan trọng của ngành như: cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 Hà Nội, đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài giai đoạn 2,... Ban Thăng Long đáp ứng đúng tiến độ để Bộ GTVT có thể giữ đúng cam kết với Chính phủ , Quốc hội, người dân”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng bày tỏ vui mừng khi Ban QLDA Thăng Long ngày càng quản lý đa dạng các dự án, từ dự án ODA, BOT,…
“Với việc triển khai tốt nhiệm vụ quản lý đối với các dự án mới như: công trình đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài, Ban QLDA Thăng Long đã xóa bỏ mặc cảm và sự hoài nghi của dư luận về năng lực của đơn vị QLDA vốn chỉ có truyền thống quản lý chất lượng cầu, đường”, Thứ trưởng nói.
Xác định năm 2022, nhiệm vụ của ngành GTVT rất nặng nề khi giai đoạn 2022 - 2025, bình quân khối lượng giải ngân khoảng 50.000 tỷ đồng và có thể lên đến 75.000 - 78.000 tỷ khi gói kích cầu kinh tế hậu Covid-19 được thông qua, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Ban QLDA Thăng Long căn cứ vào nhiệm vụ của Bộ để triển khai kế hoạch, phân công, phân nhiệm cụ thể, có kế hoạch riêng triển khai từng dự án.
Trong đó, các dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi; Hàm Nghi - Vũng Áng trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 phải gấp rút thực hiện các thủ tục để cuối năm 2022 phải khởi công được.
“Những dự án đã có cam kết, nằm trong lộ trình chung của ngành như: cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây; QL39, QL37, cầu Ninh Cường,... tuyệt đối không để trượt tiến độ”, Thứ trưởng chỉ đạo.
Trong giai đoạn “không thiếu việc nhưng phải tìm cách nâng hiệu quả giải ngân”, Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban QLDA Thăng Long phải có đánh giá, đúc rút kinh nghiệm, mổ xẻ từng vấn đề theo từng chuyên đề; Chú trọng khâu quản lý chất lượng; Duy trì hệ thống quản lý, kiểm soát từ khâu thiết kế đến thi công.
“Ban QLDA Thăng Long cũng cần tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, xây dựng dữ liệu số kết nối hiện trường với phòng ban, số hóa hệ thống quản lý dự án để công tác quản lý được hiệu quả, chất lượng hơn”, Thứ trưởng nói.
Không chỉ trong lĩnh vực cầu, đường, năm 2021, Ban QLDA Thăng Long khẳng định năng lực quản lý tại Dự án cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Ảnh minh họa
Hoàn thành nhiều nhiệm vụ lớn
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Hồ Ngọc Loan, PGĐ Ban QLDA Thăng Long cho biết, trong năm 2021, Ban QLDA Thăng Long thực hiện có hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư đối với 4 dự án trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, bao gồm: 3 dự án nhóm A là cao tốc đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi; Cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2; Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và một dự án nhóm B là cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Long Hồ - Ba Si.
Ban chủ động nghiên cứu, đề xuất các hạng mục đầu tư bổ sung báo cáo nhà tài trợ, Bộ GTVT, các Bộ ngành liên quan sử dụng nguồn vốn dư từ các dự án như: Dự án xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B, sử dụng vốn dư Dự án đầu tư xây dựng cầu Thịnh Long; Hạng mục Xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch, sử dụng vốn dư Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; Hạng mục đầu tư xây dựng cầu vượt nút giao QL39, sử dụng vốn dư Dự án cầu Hưng Hà.
"Ban QLDA Thăng Long tiếp tục thực hiện công tác quản lý đối với 5 dự án trong giai đoạn thực hiện. Trong đó, Dự án cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nút đường lăn S7, S3, S4, S5, S5A; S1, S1A đầu 29L; đường CHC1B và các đường lăn tương ứng đã hoàn thành.
Riêng hạng mục đường CHC1A dự kiến đưa vào khai thác cất cánh từ ngày 27/1/2022, vượt 2 tháng so với tiến độ yêu cầu.
Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 Hà Nội đã hoàn thành bổ sung 6 nhánh lên xuống, thông xe vào ngày 27/12. Đến ngày 31/12/2021 đã hoàn thành tường chống ồn và các hạng mục bổ sung do UBND TP Hà Nội bàn giao lại cho Bộ GTVT.
Hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây đang triển khai đáp ứng được tiến độ đề ra; Hạng mục xây dựng cầu vượt nút giao QL39 sẽ được triển khai xây dựng từ tháng 3/2022", ông Loan thông tin.
Về kết quả giải ngân, theo ông Loan, năm 2021, tổng kế hoạch vốn Ban QLDA Thăng Long được giao là hơn 8.322 tỷ đồng, trong đó, các dự án ODA là hơn 521 tỷ đồng; Các dự án ngân sách TƯ là hơn 7.800 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 10/1/2022, Ban đã giải ngân được hơn 8.189 tỷ đồng đạt 98,4% kế hoạch vốn năm 2021. Dự kiến đến hết 31/1/2022, kết quả giải ngân đạt gần 8.278 tỷ đồng đạt 99,5% kế hoạch vốn đã giao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận