Uống rượu bia không tham gia giao thông đã có trong luật
Về vấn đề sử dụng rượu bia thì không lái xe, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) e ngại khi Quốc hội lấy ý kiến về quy định đã sử dụng rượu bia thì không lái xe, song không có được kết quả như mong đợi. Từ đây, đại biểu Nhật chất vấn vì sao kết quả của việc này không như mong đợi.
Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình cho rằng, cả xã hội, quốc hội, cả hệ thống chính trị đều thấy sự nguy hiểm của việc uống rượu bia tham gia giao thông gây ra những tai nạn hết sức đau thương. Chỉ một chút quá chén, ra đường điều khiển phương tiện giao thông có thể gây hậu quả hết sức đau lòng. Đã uống rượu bia không tham gia giao thông.
Chúng ta có nhiều Luật để điều chỉnh gồm Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ có Nghị định 46, tới đây sẽ sửa Nghị định 46 theo hướng tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm giao thông trong đó có hành vi tham gia giao thông có nồng độ cồn, và chế tài rất nặng với cơ quan tổ chức, doanh nghiệp vận tải, cơ sở đào tạo, cán bộ thừa hành…
Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc xin ý kiến sáng ngày hôm qua là để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật chứ không phải biểu quyết thông qua Luật. Rất tiếc dư luận xã hội qua phân tích của báo chí đã gây hiểu lầm trong nhân dân là Quốc hội chưa muốn xử lý người uống rượu bia tham gia giao thông.
Theo pháp luật hiện hành, lĩnh vực giao thông đã có nhiều quy định nghiêm cấm uống rượu bia tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông thuỷ, Bộ Luật hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đều đã quy định rất đầy đủ. Điều này khẳng định không quy định việc này trong Luật phòng chống tác hại rượu bia thì không có chế tài xử lý.
Khi xây dựng Luật này, đã quy định việc sử dụng rượu bia tham gia giao thông. Trong quá trình có nhiều ý kiến. Ngày hôm qua không phải là biểu quyết thông qua. Quốc hội, các đại biểu quốc hội, các cơ quan của Chính phủ phải nắm rõ quy định pháp luật để giải thích cho nhân dân. Cơ quan truyền thông báo chí phải nắm rõ quy định của pháp luật để tuyên truyền cho đúng.
Chính phủ yêu cầu Bộ GD - ĐT chấn chỉnh, đảm bảo khách quan thi cử
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) hỏi: "Trong báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày tại Quốc hội ở phiên khai mạc cho thấy quyết tâm của Chính phủ là kiên quyết không để xảy ra sai phạm và gian lận trong thi cử, nhân dân đồng tình và rất mong đợi điều đó. Xin được chất vấn Bộ trưởng và nếu được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết những giải pháp căn cơ Đại biểu Trí ở Hà Nội về gian lận thi cử, giải pháp căn cơ để xử lý tình hình này?.
Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định: Ngay khi xảy ra gian lận thi cử, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an khẩn trương kiểm tra, xác minh nếu có vi phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hiện Bộ Công an đang tiếp tục điều tra.
Trong phiên họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD ĐT tổ chức kỳ thi phổ thông quốc gia năm 2019 đảm bảo sự trung thực, khách quan, tạo niềm tin cho phụ huynh học sinh cả nước đồng thời đề ra một số biện pháp chấn chỉnh đảm bảo thi cử khách quan, nghiêm chỉnh.
Giải pháp căn cơ nào, chúng tôi thấy rằng có câu chuyện có phụ huynh muốn con em mình thi đỗ nên đã có hành vi tiêu cực. Có người trong bộ máy giáo dục có tiêu cực. Quản lý nhà nước chưa chặt chẽ nên đã để xảy ra sơ sót, dẫn đến hành vi gian lận trong thi cử. Nguyên nhân đầu tiên là ý thức trách nhiệm chung của xã hội, của mọi công dân, của phụ huynh học sinh, của cán bộ công chức nhà nước làm việc trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Trách nhiệm của thầy cô giáo. Làm thế nào để nhận thức chung của xã hội là sống có trách nhiệm, biết tôn trọng đạo đức xã hội, không làm mất đi cơ hội của người khác. Nhận thức chung này phải được giáo dục ngay từ trong nhà trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận