Doanh thu PVN cao kỷ lục
Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN), trong năm 2023, PVN lập kỷ lục mới về doanh thu với 942.800 tỷ đồng, tăng 11.600 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm.
Petrovietnam thực hiện nộp ngân sách Nhà nước đạt 151.800 tỷ đồng, vượt 94% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 54.500 tỷ đồng, vượt 57% kế hoạch năm.
Năm 2023, các chỉ tiêu tài chính của PVN đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, doanh thu thiết lập mức kỷ lục mới.
Kết thúc năm 2023, Petrovietnam đã hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước giao từ 2-33%. Trong đó, nổi bật là gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 13 triệu tấn quy dầu, vượt 8,3%; khai thác dầu đạt 10,41 triệu tấn, vượt 12,1% kế hoạch năm, trong đó khai thác dầu ở trong nước đạt 8,63 triệu tấn, vượt 14,7% kế hoạch năm.
Sản lượng khai thác khí đạt 7,47 tỷ m3, vượt 25,7% so với kế hoạch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước giao (bằng 92% so với khả năng cấp khí của PVN). Sản xuất đạm năm qua đạt 1,76 triệu tấn, vượt 9,4% kế hoạch năm. Còn sản xuất xăng dầu (không gồm NSRP) đạt 7,36 triệu tấn, vượt 33,2% kế hoạch; Kinh doanh xăng dầu toàn PVN đạt 11,40 triệu tấn, vượt 26% kế hoạch.
Đặc biệt, PVN có 6 chỉ tiêu trọng yếu tăng trưởng từ 3-31% so với năm 2022, bao gồm: sản lượng điện đạt 23,07 tỷ KWh tăng 31%; sản xuất xăng dầu tăng 7,3%; đạm hạt đục tăng 2,8%; NPK Cà Mau tăng 24,1%; Polypropylen tăng 12,2%.
Về hoạt động đầu tư, giá trị thực hiện đầu tư của PVN năm 2023 đạt mức tăng trưởng ấn tượng 24% so với năm 2022. Trong năm, PVN đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại và đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án trọng điểm khó khăn gồm: Dự án Thái Bình 2, kho cảng LNG Thị Vải, đưa vào khai thác sớm 4 mỏ/công trình dầu khí (nhiều hơn so với kế hoạch năm 1 mỏ công trình). Đặc biệt, PVN cũng có 2 phát hiện dầu khí mới.
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch PVN, cho biết trong năm 2023, tất cả các chỉ tiêu tài chính của PVN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch, doanh thu toàn Tập đoàn tiếp tục thiết lập mức kỷ lục mới sau 62 năm truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.
Công ty con báo lãi nghìn tỷ
Bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng của PVN, không thể bỏ qua những công ty lớn trong hệ sinh thái với mức sinh lời các năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) ghi nhận doanh thu đạt 41.932 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 2.269 tỷ đồng, tăng 28%. Lũy kế cả năm 2023, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu thuần 146.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.455 tỷ đồng - mức lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của công ty.
So với kế hoạch kinh doanh vừa được điều chỉnh tăng hồi cuối tháng 12/2023, Lọc hóa dầu Bình Sơn hoàn thành 101% mục tiêu doanh thu và 173% kế hoạch lợi nhuận. Trong năm 2023, tổng sản lượng của Lọc hoá dầu Bình Sơn đạt hơn 7,36 triệu tấn sản phẩm, tương đương công suất suất vận hành trung bình là 111% - mức cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp.
Năm 2023, tổng sản lượng của Lọc hoá dầu Bình Sơn đạt hơn 7,36 triệu tấn sản phẩm, mức cao nhất trong lịch sử.
Một ông lớn khác thuộc hệ sinh thái PVN là Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas, HoSE: GAS) cũng kết thúc quý IV với doanh thu gần 22.600 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng 2.700 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, PV Gas ghi nhận doanh thu gần 90.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 11.800. Bên cạnh đó, PV Gas đã vượt kế hoạch kinh doanh được ĐHĐCĐ 2023 thông qua, cụ thể vượt 18% mục tiêu doanh thu và đạt hơn 80% chỉ tiêu lãi sau thuế của cả năm.
Tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của PV Gas tăng 6% so với số đầu năm, đạt hơn 87.754 tỷ đồng, trong đó hơn 62.217 tỷ là tài sản ngắn hạn (tăng 12%). Doanh nghiệp giữ lượng tiền mặt và tiền gửi khổng lồ với gần 41.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi ngân hàng đạt hơn 35.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) lần đầu tiên sau hơn 20 năm đã tìm ra và phát hiện các mỏ dầu khí mới, giúp gia tăng trữ lượng là 3,72 triệu tấn. Về khai thác, sau hơn 10 năm sản lượng suy giảm thì lần đầu tiên sản lượng khai thác của PVEP năm 2023 bằng 2022. Nhờ vậy, PVEP đạt doanh thu 41.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 21.000 tỷ đồng trong năm 2023.
Không chỉ vậy, các chỉ số tài chính của PVEP ngày càng được cải thiện, khi chỉ số sinh lời của tài sản (ROA) >10%, chỉ số khả năng sinh lời (ROE) >15%, chỉ số lợi nhuận ròng (ROS) >15%.
Đối với hoạt động đầu tư, PVEP cũng triển khai tích cực công tác phát triển tại các dự án trọng điểm, như: Đại Hùng Pha 3, Sư Tử Trắng Pha 2B, chuỗi dự án Lô B, Cá Voi Xanh, mỏ BRS pha 2 và mỏ MOM (Lô 433a&416b), cùng một số dự án trọng điểm khác.
Khiêm tốn hơn so với các công ty cùng hệ sinh thái, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) kết thúc năm 2023 với 627 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Dù vậy, doanh nghiệp cũng đã vượt mốc doanh thu hơn 100.000 tỷ đồng. Sản lượng kinh doanh của PVOIL trong năm 2023 đạt 5,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, tăng 28%.
Năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu đạt 50.000 tỷ đồng (tính trên giá dầu thô 70 USD/thùng) và 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, PVOIL đã vượt 31% kế hoạch lợi nhuận năm và gấp 2 lần chỉ tiêu doanh thu.
Thanh Thắng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận