Ông Nguyễn Trọng Chuông cho biết, từ khi QL1 mở rộng với dải phân cách giữa, tai nạn đối đầu không còn. |
Dự án nâng cấp mở rộng QL1 qua Bình Thuận đã hoàn thành gần hai năm. Con đường đổi mới khiến cuộc sống người dân nơi đây phát triển hơn, nhà cửa khang trang hơn.
Đường rộng an toàn, hết tai nạn đối đầu
Trở lại Phan Thiết, tuyến QL1 sau khi được nâng cấp mở rộng, có dải phân cách giữa nên phương tiện đi lại rất an toàn, xe bon bon chạy êm ru. Nói về chuyện mở rộng QL1, bà Lê Thị Hà, nhà ngay sát QL1 cho biết, khi dự án triển khai, gia đình bà phải lùi vào hơn 4m sâu, 28m chiều dài mặt tiền QL1. Tính theo giá thị trường, số tiền cũng không nhỏ, nhưng vì lợi ích chung, bà chấp nhận mức đền bù Nhà nước đưa ra. “Trước đây, tuần nào cũng có mấy vụ tai nạn trước cửa nhà. Có những vụ chết người thảm khốc lắm. Khi quốc lộ được mở rộng, có dải phân cách, người dân đi lại an toàn hơn rất nhiều. Gần hai năm nay không có vụ tai nạn nào nữa”, bà Hà cho biết.
Khu vực thị trấn Chợ Lầu, Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình sau khi QL1 được mở rộng thì phố phường cũng đã được chỉnh trang. Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết, đường được mở rộng với hai làn xe mỗi bên, có dải phân cách giữa, người dân đi lại được thuận lợi hơn. “Đường sá mở rộng đã tác động đến sự phát triển kinh tế của huyện, giao thương thuận lợi, rút ngắn thời gian lưu thông từ huyện đi đến các nơi. Trước đây, năm nào cũng có một vài vụ xe đối đấu khiến nhiều người thiệt mạng rất xót, nhưng giờ hầu như không còn tai nạn đối đầu”, ông Long chia sẻ.
Du lịch phát triển nhờ đường đẹp
Ngành ghi dấu sự tăng trưởng mạnh nhất của tỉnh Bình Thuận sau khi QL1 hoàn thành là du lịch. Không có sân bay nên khách du lịch đến với Bình Thuận chỉ có thể tiếp cận đường bộ và đường sắt. Khi cầu Ghềnh bị sập, lượng khách đi đường sắt sụt giảm đáng kể. Thế nhưng, lượng khách du lịch đến với Bình Thuận trong năm 2016 tiếp tục tăng.
Thống kê cho thấy trong năm 2016 lượng khách du lịch đến Bình Thuận đạt trên 4 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch ước đạt gần 9.000 tỷ đồng. Đặc biệt, đầu năm 2017, sau 2 năm tạm dừng, mới đây chuyến bay thẳng từ Moscow đến TP HCM do Tập đoàn Pegas Touristik tổ chức đưa khách Nga đến Việt Nam nghỉ dưỡng đã chính thức nối lại. Trong số 286 khách bay đến thì có đến 280 khách chọn Bình Thuận để đến các resort ven biển Hàm Tiến - Mũi Né (TP Phan Thiết) nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... Điều này chứng tỏ sự vai trò quan trọng của việc mở rộng QL1 trong việc thu hút du khách đến với Bình Thuận.
Nói về chất lượng mặt đường, ông Nguyễn Trọng Chuông, nguyên Phó giám đốc Công ty CP 677, có nhà ở gần cầu Suối Sâu cho biết, mặt đường QL1 sau khi mở rộng đạt chất lượng rất tốt. “Đoạn qua trước nhà tôi từ Hàm Thuận Nam đến TP Phan Thiết mặt đường nhựa nổi đá lên rất đẹp. Phần đường mở rộng đưa vào khai thác gần hai năm này mà không hề có dấu hiệu hư hỏng”, ông Chuông nói.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Hải, đại biểu QH, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận nhận định, dự án đã đưa vào khai thác gần hai năm nhưng chất lượng mặt đường, đặc biệt là các gói thầu thực hiện từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đều đảm bảo tốt. “Một số địa phương xuất hiện hằn lún vệt bánh xe nhưng đoạn qua Bình Thuận vẫn đảm bảo, điều này chứng tỏ Ban QLDA1, Tư vấn giám sát kiểm soát rất chặt trong quá trình thi công. Một số đoạn như Gói thầu số 1 qua khu vực Cà Ná thi công trong giai đoạn nước rút, cả ngày lẫn đêm nhưng chất lượng đến nay vẫn rất tốt”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, đánh giá, việc mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Bình Thuận đã góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm TNGT. Tuy nhiên, ở cửa ngõ phía Nam giáp Đồng Nai, mặc dù cũng được nâng cấp nhưng chưa mở rộng mặt đường nên việc lưu thông của các phương tiện có phần hạn chế. Về lâu dài, cần triển khai sớm dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết bởi lưu lượng phương tiện qua đoạn tuyến này rất lớn.
Ông Hùng cho biết, từ khi có chủ trương làm đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, địa phương đã sớm tiến hành kiểm kê công tác GPMB, chỉ chờ bố trí nguồn vốn là triển khai ngay. “Nhân dân tỉnh Bình Thuận đang rất mong mỏi T.Ư sớm triển khai đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và giao thương hàng hóa giữa Bình Thuận và vùng Đông Nam bộ, Nam Trung bộ”, ông Hùng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận