Trước những thiệt hại to lớn và đời sống cơ cực của bà con một số tỉnh miền Trung trong đợt lũ vừa qua, người dân cả nước đã có những nghĩa cử cao đẹp, hàng trăm đoàn thiện nguyện đã trực tiếp về với bà con để chia sẻ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Điều này thật đáng quý và nó cho thấy, trong khó khăn hoạn nạn, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách từ bao đời nay của cha ông ta lại càng được phát huy và nhân lên gấp bội.
Tuy nhiên, qua việc nhiều đoàn thiện nguyện ồ ạt về các địa phương, mà trong đó có thể có những đoàn chưa tìm hiểu kỹ về tình hình nơi đó, hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động cứu trợ nên đã có những câu chuyện xảy ra ngoài mong muốn.
Đơn cử như tại Thừa Thiên - Huế, trong đợt lũ năm nay, người dân nhiều vùng đã nhận được quà hỗ trợ đủ loại chứ không chỉ có mì tôm như trước, nào gạo, dầu, mắm muối, nào cá khô, bánh chưng và cả rau xanh…
Ấy vậy nhưng có một thực tế là các đoàn đi phát quà rất ngẫu hứng, mỗi đoàn một kiểu, mỗi thôn một cách, dẫn đến người được hỗ trợ nhiều thì quá nhiều, kẻ khó lại được rất ít.
Đầu tiên phải kể đến cách thức phát quà theo hộ khẩu, cách này khiến nhiều người ngụ cư thiệt thòi nhất. Người đại diện thôn, căn cứ gia đình nào có hộ khẩu tại thôn, lập danh sách đọc từng tên cho nhà hảo tâm phát quà.
Có rất nhiều nhiều nhà ở thôn khác, xã khác đến lập nghiệp chưa chuyển hộ khẩu về thôn mới, đành tủi thân đứng nhìn người khác hào hứng nhận quà.
Tiếp đó là kiểu phát quà theo kiểu ai có mặt thì nhận. Tại thôn Đông Xuyên, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, có nhà anh Trương Đình Dũng, vợ bỏ đi, anh sống cảnh gà trống nuôi con với mẹ già 84 tuổi trong túp lều.
Trận lụt vừa qua vách lều cũng trôi mất, mái lều sập mất một nửa, hai cha con nằm trên chiếc giường ngập nước. Ấy vậy mà, từ đầu mùa lụt đến nay, anh mới chỉ nhận được 300 nghìn đồng tiền của các nhà hảo tâm.
Anh kể: “Có lần tôi nghe thông báo đi nhận quà cứu trợ, tôi nhờ một người đi nhận giúp, tuy nhiên họ về bảo ai có mặt mới được nhận. Tôi liền lội nước tới chỗ phát quà, thì quà đã được phát hết. Tôi đành tủi thân đi về”.
Một cách phát quà nữa là tập trung hết vào một địa phương theo hiệu ứng truyền thông. Một vị lãnh đạo xã kể, xã ông có một thôn bị cô lập và truyền hình, báo chí về viết bài.
Đến khi các nhà từ thiện tới chỉ yêu cầu chính quyền đưa họ ra thôn đó làm từ thiện mà ít quan tâm đến thôn khác. Thế là quà dồn về cho một thôn, còn mấy thôn khác ngập lụt không thua kém thì chỉ lẻ tẻ vài đoàn từ thiện tới...
Thậm chí, có nơi còn phát quà theo kiểu đồng hương làng, xóm. Làng nào có nhiều người lập nghiệp phương xa, họ thành lập nhóm đi quyên góp tiền, sau đó họ về phát nguyên cho thôn, xóm quê hương họ.
Ấy vậy mới có chuyện, hai thôn cách nhau chỉ một chiếc cầu, thôn bên kia mỗi gia đình trong 2 ngày đã nhận được hơn 2,2 triệu đồng, chưa kể quà, còn thôn bên này mỗi gia đình chỉ được khoảng 500 nghìn đồng, dù dân nghèo hơn, nước ngập sâu hơn…
Vẫn biết, việc cứu trợ người khó khăn hoạn nạn là rất đáng quý và để phát quà thật công bằng, không để người quá nhiều, người không có là không hề đơn giản.
Tuy nhiên, nếu như các đoàn thiện nguyện bớt chút thời gian tìm hiểu, liên hệ với chính quyền địa phương để biết được những hoàn cảnh nào cần được giúp đỡ, những vùng nào thiệt hại nặng nhất, cần hỗ trợ nhất... thì hay hơn biết bao.
Nói như ông Phạm Hữu Hiệp, Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng An, huyện Quảng Điền, nếu các đoàn từ thiện liên hệ với chính quyền địa phương thì chính quyền còn điều tiết cho bà con nhận quà tương đối đồng đều và công bằng.
“Nhưng các đoàn từ thiện tự phát, họ thích phát quà đâu là phát, không hề liên hệ chính quyền. Mà chính quyền địa phương cũng không thể cấm họ được. Nếu cấm dân mình họ cũng chẳng để yên”, ông Hiệp chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận