Xem - ăn - chơi

Quà lưu niệm “Made in China” tràn ngập điểm du lịch Việt

16/03/2015, 13:05

“Đồ lưu niệm phục vụ du khách trong nước và quốc tế tại các khu du lịch bị hàng Trung Quốc chiếm lĩnh.

151

Những mặt hàng lưu niệm bày bán ở các khu du lịch đa phần xuất xứ từ Trung Quốc - Ảnh: Trí Lâm

Tràn ngập đồ lưu niệm Trung Quốc

Ông Bùi Văn Mạnh, Phó giám đốc Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình xót xa chỉ ra, hiện nay tất cả hàng thủ công mỹ nghệ làm đồ lưu niệm phục vụ du khách tại những điểm du lịch chủ yếu là hàng Trung Quốc chiếm lĩnh. Ngoài ra, quà tặng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam thiếu sức hút vì giá thành thường cao hơn so với sản phẩm do nước ngoài sản xuất.

“Ở Ninh Bình tôi thấy đồ lưu niệm cho du khách chủ yếu là hàng Trung Quốc giá rất rẻ. Làm nhà quản lý tôi thấy xót xa, nên luôn nhắc nhở những người bán hàng ưu tiên bán các sản phẩm Việt Nam. Tuy nhiên, rất khó vì còn tùy thuộc vào thị trường, yếu tố lợi nhuận”, ông Mạnh nói.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Đặng Văn Bài, Giám đốc Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản Văn hoá Việt Nam cũng bức xúc chỉ ra: “Thị trường quà tặng Việt Nam đang bị lấn át bởi quà tặng của Trung Quốc. Đó là điều đáng buồn. Chúng ta phải thấy tủi thân vì cái đó. Những người có tâm huyết thì phải thấy áy náy, trăn trở”.

Bao giờ có bộ sưu tập quà tặng Việt Nam?

Buồn trước thực trạng quà tặng Việt Nam lép vế trước quà tặng của Trung Quốc, ông Mạnh mong muốn: “Những người làm quản lý du lịch như chúng tôi rất trông chờ vào những sản phẩm quà tặng lưu niệm mà có tính phổ quát, mà đặc trưng của điểm đến đó để tặng các du khách quốc tế, các nguyên thủ quốc gia”.

Trong khi đó, PGS.TS. Bài cũng hy vọng: “Chúng ta phải có một quà tặng gì mà khi du khách, các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam nhất định phải mua cái đó, tìm cái đó. Ngoài ra quà lưu niệm có đặc trưng văn hóa của Việt Nam mà cả người Việt lẫn người nước ngoài phải cần nó.

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội cho biết: “Theo thống kê có khoảng 2 nghìn làng nghề, trong đó có 277 đơn vị được công nhận là làng nghề và 198 làng nghề truyền thống. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là tinh hoa văn hóa của dân tộc, đó chính là tài nguyên vô giá trong việc phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh dân tộc”.

“Làm thế nào để sản phẩm của làng nghề trở thành sản phẩm mang đậm văn hóa của dân tộc, đòi hỏi sự sáng tạo nghiêm túc của các nghệ nhân. Đây là một việc làm thiết thực để tạo dựng giá trị xứng tầm cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ”, ông Lợi nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trung Thành, Tổng giám đốc Dự án 1102 cho rằng, các quốc gia khi đối ngoại với nhau cần quà tặng mang biểu tượng của quốc gia đó. Có thể có những quà tặng truyền thống rồi nhưng để có một quà tặng ai cũng dùng đến nó, ai cũng biết đến nó trong tất cả sự kiện quan trọng là cực kỳ cần thiết.

“Đến nước nước Pháp có quà tặng là tháp Eiffel; Malaysia có tháp đôi, thì đến Việt Nam tặng cái gì? Chính vì thế Dự án 1102 tổ chức Hội nghị xây dựng bộ sưu tập quà tặng thủ công mỹ nghệ mang đặc trưng văn hóa Việt, kêu gọi toàn thể nghệ nhân các làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam, các nhà nghiên cứu khoa học, mỹ thuật, thiết kế, những người đam mê… cùng sáng tạo", ông Thanh kêu gọi và đề xuất, quà tặng thủ công mỹ nghệ được lấy cảm hứng sáng tạo từ 8 di sản thế giới tại Việt Nam như: Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và nhiều danh thắng khác gồm: Chùa Một Cột, Cầu Thê Húc, Tháp Rùa, áo dài, hoa sen… nên được chọn làm bộ sưu tập quà tặng quốc gia. "Những sản phẩm này được tạo ra bằng nguyên liệu truyền thống của làng nghề, bằng tất cả các trí lực của các nghệ nhân, hội tụ đủ niềm tự hào của người Việt. Vì thế còn gì xứng hơn là quà tặng trong quan hệ đối ngoại quốc tế, là sứ giả văn hóa người Việt tại những điểm du lịch, danh lam thắng cảnh của ta", ông Thành nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.