Bị chỉ trích là "nội gián", "phản bội"
Ngày 25/6, Thị trưởng Đài Bắc Ko Wen-je, được biết là người có lập trường thân thiện với Trung Quốc đại lục, khơi lại ý tưởng xây dựng cầu nối đảo Kim Môn với thành phố biển Hạ Môn, Trung Quốc đại lục.
Ông Ko cho rằng cây cầu này không chỉ giúp thúc đẩy thịnh vượng trên đảo Kim Môn (từng là tiền đồn của Đài Loan) mà còn “hạ nhiệt” căng thẳng xuyên Eo biển Đài Loan.
Với dân số khoảng 140.000 người, Kim Môn nằm cách thành phố Hạ Môn (Trung Quốc) khoảng 10km, cách nơi gần nhất với Trung Quốc đại lục chỉ chừng 2km nhưng cách bờ biển phía Tây Đài Loan khoảng 200km.
Thị trưởng Đài Bắc Ko Wen-je. Ảnh - EPA-EFE
Ông chỉ ra, “ít nhất 1 nửa những vấn đề mà Kim Môn đang đối mặt như dân số, nước, nguồn điện, xử lý rác thải có thể được giải quyết”.
Cây cầu nối với sân bay Hạ Môn còn mang đến một phương án thay thế cho người dân Kim Môn khi muốn ra nước ngoài. Hiện tại, họ phải bay về đảo Đài Loan để lên máy bay của các hãng hàng không quốc tế tại đây.
Ông Ko cũng đề xuất xây dựng một bệnh viện để thu hút người dân đại lục tới Kim Môn điều trị y tế.
Song đề xuất của ông Ko đã vấp phải sự trích kịch liệt từ các thành viên đảng Dân chủ Cấp tiến (DPP) của bà Thái Anh Văn vốn theo đuổi tự chủ, khước từ nguyên tắc “Một Trung Quốc” và nhiều người ủng hộ độc lập khác.
Nghị sĩ đảng DPP – ông Lin Chun-hsien bỏ ngỏ - Liệu ông Ko có biết phương án đó sẽ tạo nguy cơ mở đường cho PLA thực hiện hành động quân sự với Đài Loan không?
Ông Lin nhấn mạnh, 2 bên eo biển đã có 3 kết nối nhỏ kể từ năm 2001 và chừng đó là đủ để trao đổi giữa hai bên.
Trước đây, khi bà Thái làm Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề Đại lục, bà cũng đồng ý thành lập các liên kết nhỏ, cho phép trao đổi thư tín, vận tải và thương mại giữa đảo Kim Môn và Mã Tổ cùng các thành phố ven biển của Trung Quốc như Hạ Môn và Phúc Châu.
Trong nhiều năm qua, thông qua các tuyến vận tải biển và hàng không trực tiếp, các kết nối nhỏ này đã làm tạo điều kiện cho một số hoạt động như việc tổ chức các sự kiện thể thao, học thuật và văn hoá.
Ông Chang Po-yang, Giám đốc thông tin của Đảng Xây dựng Nhà nước Đài Loan nhận định, trở ngại lớn nhất với Trung Quốc trong tham vọng thống nhất Đài Loan chính là Eo biển Đài Loan. Lâu nay, Bắc Kinh đã vô cùng muốn xây dựng một cây cầu như vậy. Do đó, đề xuất của ông Ko chẳng khác nào đề xuất của một "nội gián" cho Bắc Kinh.
Người đứng đầu Hội đồng Thành phố Đài Bắc Lin Ying-meng cho rằng, cây cầu này sẽ biến Đài Loan trở thành một phần của đại lục, thậm chí chỉ trích việc ông Ko đề xuất như vậy là “phản bội”.
Kim Môn nằm cách thành phố Hạ Môn, Trung Quốc khoảng 10km, cách nơi gần nhất với Trung Quốc đại lục chỉ chừng 2km nhưng cách bờ biển phía Tây Đài Loan khoảng 200km.
Ngay cả Quốc dân đảng, đảng đối lập chính tại Đài Loan, cũng phản ứng rất thận trọng trước đề xuất của ông Ko. “Vì đề xuất liên quan đến các vấn đề quốc phòng, kinh tế xuyên eo biển, nên chính quyền cần xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định,” - Nghị sĩ của Quốc dân đảng (KMT) Tseng Ming-chung nhận định.
Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan đánh giá: “Trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp triển khai các biện pháp từ quân sự, ngoại giao, chính trị và kinh tế để tăng cường áp lực lên Đài Loan, việc xây dựng một cây cầu như vậy chỉ càng tạo điều kiện cho Trung Quốc thống nhất Đài Loan”.
Sự ủng hộ từ đảo Kim Môn và những đề xuất dang dở
Tuy nhiên, tại Kim Môn, cả cựu lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm của hòn đảo đều ủng hộ đề xuất này.
Thẩm phán Yang Cheng-wu của Kim Môn cho biết: “Hầu hết mọi người ở đây từ lâu đã muốn xây dựng cây cầu vì nó liên quan đến sự phát triển trên đảo”.
Chính quyền quận Quemoy lần đầu tiên nêu ý tưởng xây cầu từ năm 2006 và đã đề nghị một công ty tư vấn nghiên cứu tính khả thi.
Năm 2008, chính quyền tỉnh Phúc Kiến ở Trung Quốc đại lục đã vạch kế hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc ở bờ biển phía tây và đã bàn đến việc xây dựng một cây cầu Hạ Môn - Kim Môn.
Sau khi ông Mã Anh Cửu thuộc Quốc dân đảng được bầu làm lãnh đạo Đài Loan vào năm 2008, ông cũng yêu cầu chính quyền ở Kim Môn nghiên cứu tính khả thi của dự án xây cầu này khi có chuyến thăm đảo vào năm 2009. Nhưng sau đó, dường như vì nhiều quan ngại về chính trị nên đề xuất đã bị lùi lại vô thời hạn.
Song, vài năm gần đây, thỉnh thoảng, ý tưởng xây dựng hạ tầng kết nối giữa Đài Loan và đại lục cũng được lãnh đạo Trung Quốc đôi lần nhắc lại. Chẳng hạn như hồi tháng 1/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặc biệt nhắc đến các dự án cầu, khí đốt, điện, nước giữa đảo Kim Môn, Mã Tổ với các khu vực ven biển của tỉnh Phúc Kiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận