Quân ly khai tố quân đội Ukraine xung đột lẫn nhau
Quân ly khai miền Đông Ukraine đã nhiều lần cáo buộc quân chính phủ Ukraine vì nhiều hành động vi phạm lệnh ngừng bắn |
Theo tin tức trên Infonet, ngày 11/4, phát ngôn viên của quân ly khai Donetsk - ông Eduard Basurin cho biết, các đơn vị của quân đội chính phủ Ukraine tại Donbass đang đối đầu lẫn nhau.
“Trong nội bộ quân đội chính phủ đã có một cuộc xung đột vũ trang”, ông Basurin nói.
Cụ thể, vào ngày 10/4, một số thông tin cho biết Lữ đoàn Thiết giáp số 93 của quân đội Ukraine đã yêu cầu sư đoàn thuộc Tổ chức Chủ nghĩa Dân tộc Ukraine (OUN) rời bỏ vị trí đóng quân bên ngoài làng Peski ở miền Đông Ukraine.
Ông Basurin cho biết thêm: “Tôi muốn tất cả các bên biết rằng chính quyền Kiev miêu tả sự việc quân đội Ukraine nổ súng lẫn nhau là những lần vi phạm lệnh ngừng bắn của quân Donetsk. Hơn nữa, họ còn báo cáo với ủy ban OSCE và cung cấp thông tin cho giới truyền thông”.
Cũng theo ông Basurin, quân đội Ukraine có kế hoạch dàn dựng những hành động khiêu khích bằng cách điều động những binh lính mặc quân phục của quân đội Nga.
Nga xác nhận bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Trung Quốc
Hệ thống S-400 của Nga (Ảnh Reuters) |
Trong khi đó, theo VOV, trả lời phỏng vấn trên tờ nhật báo Kommersant của Nga, Giám đốc Điều hành tập đoàn Rosoboronexport Anatoly Isaikin cho biết Trung Quốc đã ký hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400.
"Thông tin chi tiết của hợp đồng sẽ không được tiết lộ, nhưng có thể nói Trung Quốc đã thực sự trở thành khách hàng đầu tiên mua hệ thống phòng không của Nga, nhấn mạnh tầm chiến lược trong mối quan hệ của hai nước" - Tổng giám đốc Anatoly Isaykin cho biết trong cuộc phỏng vấn của báo Kommersant.
"Nhiều nước muốn mua S-400. Nhưng ngành công nghiệp của chúng ta thông qua nhà máy Almaz-Antey trước hết quan tâm đến việc cung cấp các hệ thống phòng không này cho Bộ Quốc phòng Nga. Và ngay cả khi mở rộng các cơ sở sản xuất của mình, việc bán các hệ thống S-400 sang một số nước cũng là chuyện phức tạp. Trong vấn đề này, Trung Quốc là khách hàng đầu tiên" - người đứng đầu Rosoboronexport cho biết.
Indonesia sẽ tiến hành tập trận chung thường niên với Mỹ ở Biển Đông
Binh sĩ Mỹ trên tàu USS Benfold DDG65 tại cảng Benoa, Bali (Ảnh Antaranews) |
Theo Reuters, thông tin trên được người phát ngôn Hải quân Indonesia Manahan Simorangkir tuyên bố ngày 13/4.
Dù không phải là nước tham gia tranh chấp trên Biển Đông, giới chức quân sự Indonesia đã cáo buộc Trung Quốc gộp cả đảo Natuna vào các vùng lãnh hải nằm trong “đường 9 đoạn” của Trung Quốc- một ranh giới mơ hồ mà nước này vạch ra trên bản đồ hòng áp đặt chủ quyền lên gần 90% khu vực Biển Đông.
“Đây là cuộc tập trận thứ 2 mà chúng tôi tiến hành với phía Mỹ tại khu vực này và chúng tôi đang lên kế hoạch để tiến hành một cuộc tập trận chung tương tự vào năm tới. Chúng tôi muốn các cuộc tập trận này trở thành hoạt động thường niên”, ông Simorangkir nói.
Cuộc tập trận này không được tổ chức tại quần đảo Natuna do cơ sở vật chất tại đây không đáp ứng được yêu cầu của cuộc tập trận.
Philippines tố cáo Trung Quốc xây đảo hủy hoại môi trường biển Đông
Đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép đang hủy hoại môi trường biển Đông (Ảnh: CSIS) |
Theo tin tức trên báo Tuổi Trẻ, ngày 13/4, chính quyền Philippines đã chỉ trích việc Trung Quốc lấn biển xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông đã hủy hoại 1,2km2 san hô, gây tổn thất kinh tế 100 triệu USD/năm đối với các nước ven biển.
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định hành vi lấn biển, xây đảo trái phép của Trung Quốc “gây thiệt hại trên diện rộng và không thể đảo ngược” đối với đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của biển Đông.
“Chúng tôi không thể chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc rằng hành động này không phá hoại môi trường sinh thái biển Đông. Trung Quốc thực hiện hành động này một cách đơn phương, không quan tâm đến nhân dân các nước ven biển đã sống dựa vào biển từ nhiều thế hệ qua” - Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh.
Chính quyền Philippines tiếp tục kêu gọi Trung Quốc dừng lập tức hành vi lấn biển xây đảo, tôn trọng Tuyên bố chung về ứng xử trên biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh đã ký với ASEAN, đồng thời tìm giải pháp để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận