Lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 14 tỷ đồng
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến hoạt động điều hành, quản lý bay. Trong nhiều tháng, máy bay của các hãng hàng không Việt Nam phải nằm xếp hàng ở sân đỗ. Máy bay quốc tế hạ cánh ở các sân bay Việt Nam cũng rất ít.
Trước tình trạng đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết phê duyệt kế hoạch điều chỉnh sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng năm 2021 của Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM).
"Kế hoạch được xây dựng trong điều kiện Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh, đầu tư 5 năm 2021-2025 của VATM đã được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 7/2021", Thứ trưởng nêu.
Đài kiểm soát không lưu Nội Bài
Chủ tịch VATM Phạm Việt Dũng cho biết, kế hoạch cũng để bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu đầu tư tại VATM và vốn của VATM đầu tư tại doanh nghiệp khác, hoàn thành các nhiệm vụ của chủ sở hữu giao trong đó có chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
"Cụ thể, về kế hoạch cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (dịch vụ công ích), VATM được giao thực hiện 273.154 lần chuyến, trong đó điều hành bay đi, đến là 160.278 lần chuyến; điều hành bay quá cảnh là 112.876 lần chuyến", ông Dũng thông tin.
Về tài chính, VATM dự kiến đạt tổng thu 2.016,5 tỷ đồng; tổng doanh thu đạt 1.444,86 tỷ đồng; tổng chi 1.427 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 14,2 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu là 0,37%; nộp ngân sách Nhà nước 705,2 tỷ đồng.
Theo thông tin của Báo Giao thông, năm 2020, năm đầu tiên chịu tác động của dịch Covid-19, mặc dù đã phải cắt giảm tối đa các chi phí, nhưng VATM vẫn lỗ 127,62 tỷ đồng. Trước đó, năm 2019, doanh nghiệp này đạt mức lợi nhuận lên tới 1.676 tỷ đồng. Cũng trong năm 2021, VATM sẽ phải giải ngân 369 tỷ đồng vốn đầu tư từ 88 dự án.
Bớt đi công tác nước ngoài, tiết giảm chi thường xuyên
Để tiết kiệm chi phí, lãnh đạo VATM cho biết, tới đây sẽ rà soát, không thực hiện một số chuyến công tác nước ngoài trong Kế hoạch đã phê duyệt để thực hiện tiết giảm chi công tác phí, chi phí phương tiện đi lại; Rà soát, thực hiện triệt để tiết kiệm, tiết giảm các khoản chi thường xuyên, không phục vụ trực tiếp cho công tác điều hành bay (các khoản chi trang phục, nghỉ mát, mua sắm công cụ, thiết bị văn phòng, chi khánh tiết, hội nghị, tuyên truyền quảng cáo, nhiên liệu, điện nước, văn phòng phẩm, vật tư tiêu hao...).
VATM cũng sẽ rà soát lại danh mục, giãn tiến độ mua sắm, điều chỉnh phân bổ chi phí đối với các khoản chi mua vật tư dự phòng; Cập nhật, rà soát lại các định mức kinh tế kỹ thuật các dịch vụ do công ty con cung cấp để thực hiện tiết giảm các khoản chi các dịch vụ này.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết và có kế hoạch cụ thể về dự án nâng cấp, mở rộng đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không Côn Đảo, Bộ GTVT sẽ giao VATM đánh giá khả năng khai thác các công trình quản lý bay hiện hữu để tận dụng, tiết kiệm kinh phí đầu tư.
Trường hợp phải đầu tư hạng mục công trình mới, Tổng công ty chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, cân đối nguồn vốn báo cáo Bộ để bổ sung vào kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Theo thông tin của Báo Giao thông, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VATM vẫn đạt hơn hơn 52 tỷ đồng, tương đương 296% so với kế hoạch 2021.
“Lý do lợi nhuận trước thuế cao hơn nhiều so với kế hoạch cả năm 2021 là do doanh thu điều hành bay quốc nội 6 tháng đầu năm đạt cao”, Chủ tịch VATM Phạm Việt Dũng cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, dự kiến sản lượng và doanh thu điều hành bay quốc nội 6 tháng cuối năm giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm do tác động mạnh mẽ của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
Được biết, sản lượng điều hành bay tháng 7 của VATM chỉ bằng 91,4% so với thực hiện tháng 6. Tháng 8 tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng khi Chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách mạnh mẽ, mức sản lượng chỉ bằng 70,3% so với thực hiện tháng 7 và bằng 51,3% so với bình quân tháng kế hoạch.
Mặc dù vậy, với những chính sách về kinh tế cũng như kế hoạch phục hồi vận tải hàng không nội địa, lãnh đạo Quản lý bay kỳ vọng sản lượng thực hiện 3 tháng cuối năm dự báo sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn so với thực hiện tháng 8.
Ngoài ra, mức sụt giảm doanh thu thu được từ hoạt động bay quốc nội của VATM cũng được bù đắp từ phần doanh thu tăng do sản lượng điều hành bay quốc tế các tháng cuối năm có sự tăng trưởng nhẹ.
Đánh giá về kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư năm 2021 của VATM, lãnh đạo Cục hàng không VN cho rằng tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến thị trường vận tải hàng không trong nước và trên thế giới. Điều này khiến sản lượng điều hành bay của VATM giảm nghiêm trọng.
Cơ quan này cũng cơ bản nhất trí với nội dung điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2021 của doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được giao cung cấp các dịch vụ công ích bảo đảm hoạt động bay cho tất cả các tàu bay dân dụng hoạt động tại các cảng hàng không toàn quốc; trên vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam và các vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý, cùng các vùng không phận được ủy quyền hợp pháp khác.
Trước đó, vào cuối tháng 7/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 1360/QĐ-BGTVT phê duyệt kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 của VATM.
Cụ thể, tổng doanh thu trong 5 năm tới của VATM dự kiến giảm 9,2%; lợi nhuận trước thuế sau khi trích quỹ khoa học - công nghệ giảm tới 65%; nộp ngân sách nhà nước giảm 34% so với giai đoạn 2016 - 2020. Chỉ tiêu tăng duy nhất của VATM trong giai đoạn 2021 - 2025 so với giai đoạn 2016 - 2020 đáng tiếc lại là tổng chi, tăng từ 11.240 tỷ đồng lên 13.129 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn 2021 - 2025, VATM được Bộ GTVT giao triển khai 42 dự án đầu tư phục vụ hoạt động của doanh nghiệp lên tới 10.089 tỷ đồng, giải ngân tối thiểu 7.558 tỷ đồng từ nguồn vốn tự tích lũy và vốn vay thương mại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận