Quản lý

Quản lý, khai thác hạ tầng khu bay thế nào?

10/10/2017, 10:36

“Việc giao ACV quản lý khai thác khu bay là việc chắc chắn phải làm”, ông Trịnh Như Long nói.

16

Hiện tại, ACV đang làm tốt việc quản lý kết cấu hạ tầng sân bay - Ảnh: Tạ Tôn

Quản lý, khai thác hạ tầng khu bay là một trong những vấn đề nóng được đặt ra khi xây dựng dự thảo Nghị định mới về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hàng không, đặc biệt khi TCT Cảng hàng không VN (ACV) chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa.

Cần một nghị định mới

Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hàng không. Theo Nghị định số 102/2015 của Chính phủ, kết cấu hạ tầng cảng hàng không bao gồm kết cấu hạ tầng sân bay, công trình cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; công trình phục vụ bảo đảm an ninh hàng không, khẩn nguy sân bay; công trình hàng rào cảng hàng không; đường giao thông nội bộ trong cảng hàng không; công trình cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất...

Trong đó, kết cấu hạ tầng sân bay gồm: Đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và các công trình, khu phụ trợ của sân bay, hàng rào sân bay, đường giao thông nội bộ trong sân bay.

Dự thảo Nghị định mới về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hàng không do Bộ Tài chính xây dựng gồm 4 chương, 31 điều quy định rõ việc giao tài sản; Hồ sơ, kế toán tài sản; Bảo trì, xử lý, khai thác tài sản cũng như quản lý, sử dụng số tiền thu được từ quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. Các vấn đề liên quan đến cơ sở dữ liệu và báo cáo tài sản kết cấu hạ tầng hàng không cũng được làm rõ tại dự thảo nghị định mới này.

Trước đây, kết cấu hạ tầng cảng hàng không được giao cho ACV và hệ thống tài sản hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm bay được giao cho TCT Quản lý bay Việt Nam (VATM). Đây là hai doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được giao vốn theo quy định pháp luật đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; việc đầu tư, quản lý, sử dụng, bảo trì và khai thác do doanh nghiệp quyết định theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, từ 1/4/2016, ACV đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Trước đó, trong phương án cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp này, tài sản tại khu phục vụ hoạt động bay (trừ sân đỗ) đã được loại ra khỏi giá trị thực tế của doanh nghiệp để CPH. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kể từ ngày 1/4/2016, tài sản kết cấu hạ tầng khu bay (trừ sân đỗ đã đưa vào giá trị khi cổ phần hóa Tổng công ty ACV) trong hệ thống tài sản hạ tầng hàng không được bàn giao cho Bộ GTVT.

Đối tượng, phương thức quản lý tài sản này được thay đổi từ ACV (theo Luật Doanh nghiệp, pháp luật chuyên ngành hàng không) sang Bộ GTVT quản lý (theo pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật chuyên ngành hàng không). Do đó, việc ban hành Nghị định quản lý, sử dụng, khai thác tài sản hạ tầng hàng không là rất cần thiết.

Quản khu bay thế nào?

Điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định mới do Bộ Tài chính xây dựng là Mục 5 - Khai thác kết cấu hạ tầng giao thông hàng không, Bộ Tài chính đề xuất “cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực tiếp tổ chức khai thác hạ tầng hàng không”. Trao đổi với Báo Giao thông, Phó tổng giám đốc TCT Quản lý bay VN (VATM) Trịnh Như Long nói: Luật Quản lý tài sản công có quy định hình thức giao tài sản công cho doanh nghiệp quản lý khai thác. Hiện, ở ngành khác cũng có trường hợp Nhà nước giao khai thác.

ACV là một bộ phận rất quan trọng của ngành Hàng không. Dù ACV cổ phần hóa đến đâu, Nhà nước phải coi ACV cùng với TCT Quản lý bay VN và TCT Hàng không VN là một bộ phận không thể thiếu. “Việc giao ACV quản lý khai thác khu bay là việc chắc chắn phải làm”, ông Long nói và cho biết, về lịch sử, năng lực kinh nghiệm thì hiện tại, không ai làm tốt hơn ACV trong việc quản lý kết cấu hạ tầng sân bay. Ngoài ra, cũng không nên quá đặt nặng vấn đề tài chính có thể gây chệch hướng phát triển ngành hàng không.

“Tôi cho rằng, dự thảo Nghị định cần sửa lại và bổ sung việc giao DN quản lý khai thác hạ tầng hàng không. Điều này hoàn toàn phù hợp với Luật Quản lý tài sản công”, ông Long nói thêm.

Nếu không bổ sung việc này, theo ông Long, Bộ GTVT và Cục Hàng không VN sẽ không có cơ sở giao DN quản lý khai thác hạ tầng. Khi đó, Bộ sẽ phải tổ chức theo hình thức cơ quan quản lý nhà nước khai thác hoặc cho thuê. Điều này cũng có nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước phải hình thành một bộ máy rất lớn để quản lý khai thác 22 cảng hàng không Nhà nước. Còn nếu áp dụng hình thức cho thuê, ông Long cho biết, sẽ phải thực hiện định giá lại. Tuy nhiên, định giá thế nào là vô cùng khó vì hệ thống hạ tầng cảng hàng không sân bay có tính độc quyền.

Phía ACV, Phó tổng giám đốc Vũ Thế Phiệt cho biết, hiện Bộ GTVT đã trình Chính phủ xem xét quyết định phương án quản lý, khai thác khu bay trong đó đề xuất 4 phương án: Nhà nước tăng vốn điều lệ của ACV thông qua việc góp vốn bằng tài sản khu bay; Nhà nước giao ACV quản lý, khai thác, đầu tư, sửa chữa khu bay và cuối cùng là phương án ký Hợp đồng kinh doanh - quản lý.

Được biết, trong văn bản mới nhất gửi Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã đề xuất ưu tiên phương án 3 là Nhà nước giao ACV thuê khai thác tài sản khu bay.

Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng mới ký văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ lựa chọn phương án giao ACV quản lý, khai thác, đầu tư, sửa chữa tài sản khu bay. Luật Quản lý sử dụng tài sản công (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018) đã quy định đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng gồm cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp và đối tượng khác theo quy định của pháp luật liên quan. Như vậy, việc bổ sung đối tượng được giao khai thác hạ tầng hàng không là phù hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.