Thời sự

Quảng Bình tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

24/02/2023, 19:37

Chiều nay (24/2) tỉnh Quảng Bình long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (01/3/1923 - 01/3/2023).

Tới dự buổi lễ có Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, cùng đông đảo cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình tham dự lễ kỷ niệm.

img

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 01/3/1923, quê xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trải qua nhiều cương vị trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau.

Dù ở cương vị, trọng trách, điều kiện hoàn cảnh nào, ông cũng luôn giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; mưu lược, quyết đoán, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ huy, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

img

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 01/3/1923, quê xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

Từ năm 1967 đến tháng 5/1976, Tướng Đồng Sỹ Nguyên đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Đoàn 559 và ông có gần 10 năm gắn bó cùng Bộ đội Trường Sơn. Ông đã cùng Bộ Tư lệnh 559 có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo trong xây dựng tuyến chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam.

Trường Sơn từ một con đường mòn nhỏ trở thành một mạng lưới giao thông liên hoàn; vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân vào công tác vận tải quân sự, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

img

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình - Vũ Đại Thắng đọc diễn văn tại buổi lễ kỷ niệm

Trong giai đoạn đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, ông đã cùng với tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Ông đã có nhiều đóng góp trong tham mưu hoạch định các chủ trương, chính sách về xây dựng, phát triển các ngành, cũng như trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy điện, thủy lợi, các công trình công nghiệp, dân dụng trọng điểm của quốc gia...

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong những người đề xuất ý tưởng xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh nối liền đất nước trên nền của tuyến đường mòn Trường Sơn huyền thoại.

Tâm nguyện của ông là hiện đại hóa tuyến đường Trường Sơn - biến con đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước thành con đường chiến lược, con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hòa bình, đổi mới.

img

Chương trình nghệ thuật chào mừng

Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn chiến lược sắc sảo, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị chỉ huy luôn dành tình thương yêu tha thiết, trọn vẹn nghĩa tình với đồng chí, đồng đội. Ông là người đã đề xuất chủ trương, tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt liệt sỹ hy sinh ở Tây Trường Sơn để đưa về nước và xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là dịp các thế hệ ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Trong Diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh: “Ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến to lớn của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, chúng ta càng thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã giáo dục, rèn luyện nên người chiến sĩ cách mạng kiên trung, vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, đã trọn đời cống hiến cho Tổ quốc, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.