Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, hình thành trung tâm logistics
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Quảng Ngãi là "khúc ruột" miền Trung, có nhiều lợi thế để phát triển. Trong đó, lớn nhất là có bờ biển dài 130km, có cảng biển nước sâu Dung Quất; hạ tầng giao thông kết nối phát triển đa phương thức cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không (sân bay Chu Lai - Quảng Nam) và là cửa ngõ ra biển Đông và Thái Bình Dương của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Ông Diên nhấn mạnh: Có thể nói Quảng Ngãi có tiềm năng to lớn phát triển kinh tế biển, dịch vụ vận tải và đặc biệt là phát triển công nghiệp nặng với ba ngành chủ lực gồm: Lọc hóa dầu, luyện cán thép và đóng tàu. Đồng thời, lợi thế trên còn là tiền đề để phát triển dịch vụ logistics, du lịch biển...
Để làm được điều đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư có hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng logistics... để đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Trong đó, tỉnh cần chủ động thúc đẩy mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Trung Bộ và cả nước. Đồng thời, xây dựng Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia.
"Trước hết Quảng Ngãi cần chú trọng đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện. Tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông kết nối để phát triển Quảng Ngãi thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á... Từ đó, biến Quảng Ngãi trở thành cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông và dần hình thành thành trung tâm logistics của cả nước", Bộ trưởng Bộ Công thương gợi ý
Người đứng đầu ngành Công thương cũng đề nghị Quảng Ngãi tập trung rà soát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của những dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn như dự án 3 nhà máy điện khí, Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn. Đặc biệt, là dự án Nhà máy Đóng tàu Dung Quất.
Quảng Ngãi cần có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ; có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây chuyền sản xuất và phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp địa phương...
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Quảng Ngãi cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương. Trong đó, một mặt chú trọng phát triển những ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, luyện thép chất lượng cao, công nghiệp đóng tàu...
Chú trọng phát triển ngành chủ lực dựa trên lợi thế về hạ tầng
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm 2024 có những dấu hiệu tích cực. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 28,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt hơn 8.000 tỷ đồng.
Các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10,7%. Kim ngạch nhập khẩu tăng 18,2%. Địa phương đang xây dựng đề án Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất.
Các dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, II và III thuộc Trung tâm Điện khí miền Trung đang được triển khai các bước về hồ sơ, thủ tục.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang mong muốn Bộ Công thương quan tâm, giải quyết các nội dung kiến nghị của tỉnh về lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và khoáng sản. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực hoạt động hiệu quả trên bàn tỉnh; góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi đặt mục tiêu sẽ hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất và phát triển huyện Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển - đảo.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực, nhìn nhận rõ ưu điểm, lợi thế để phát huy, từng bước khắc phục hạn chế, xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia. Đặc biệt, tỉnh sẽ lưu ý các gợi ý của lãnh đạo Bộ trong việc tích cực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận