Xã hội

Quảng Ngãi đồng hành cùng nông dân đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu

06/12/2024, 19:26

Nhiều sản phẩm nông nghiệp do chính nông dân Quảng Ngãi làm ra đã lên tàu xuất sang thị trường tiêu dùng các nước trên thế giới, trong đó có nước nằm trong nhóm G20.

Trái ớt, trái chuối... lên kệ siêu thị các nước G20

Những năm qua, nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của nông dân và sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, ngành tỉnh Quảng Ngãi, nhiều sản phẩm nông nghiệp được chính nông dân Quảng Ngãi sản xuất, trồng ra đã vươn mình trở thành mặt hàng xuất khẩu.

Quảng Ngãi đồng hành cùng nông dân đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu- Ảnh 1.

Xưởng chế biến ớt của chị Vi mỗi năm xuất khẩu hàng nghìn tấn, doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Kho phân loại, đóng hàng ớt thương phẩm của chị Đỗ Thị Tường Vi (40 tuổi), ở thôn An Long, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) lúc nào cũng đông công nhân làm việc. Người phụ nữ nhỏ nhắn cho hay, thời điểm này thị trường tiêu thụ ớt các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc đang vào mùa lạnh, nên xuất khẩu ớt vào thời điểm này giá cả cao hơn mùa nắng.

Tất tả đóng hàng để đảm bảo đơn 100 tấn xuất đi cho đối tác, chị Vi cho hay phải gom nhiều nơi. Bản thân chị đến từng ruộng xem hàng rồi mới xuống tiền thu mua để đưa về xưởng chế biến.

“Làm ăn phải có chữ tín, đã cam kết thì khó khăn thế nào vẫn phải có hàng cho đối tác. Sản phẩm xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn. Tôi phải xây dựng 4 kho đông lạnh để trữ hàng trăm tấn ớt nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng", chị Vi cho biết.

Bây giờ, thị trường tiêu thụ ớt của chị Vi không chỉ trong nước mà xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Hằng năm, chị Vi thu mua hàng nghìn tấn ớt, rồi sơ chế để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Phải gom hàng nhiều, cần số tiền lớn, nên chị Vi mạnh dạn vay vốn của Quỹ Tín dụng nhân dân xã Đức Hiệp để trả tiền cho nông dân trồng ớt.

Mỗi năm, xưởng chế biến ớt của chị Vi thu mua khoảng 2.000 tấn ớt, sơ chế xuất sang các nước khu vực Đông Á, doanh thu hơn 30 tỷ đồng, cho lợi nhuận khoảng 4 tỷ đồng.

Đặc biệt, cơ sở của chị Vi giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động, với thu nhập bình quân từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân xã Đức Hiệp Lý Ngọc Bình nhận xét, chị Đỗ Thị Tường Vi làm ăn rất có uy tín. Nhiều lúc, chị Vi đến quỹ vay tiền là đơn vị giải ngân tạo điều kiện cho chị hoạt động. Chị luôn trả lãi và gốc đúng hẹn...

Quảng Ngãi đồng hành cùng nông dân đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu- Ảnh 2.

Trái chuối do nông dân Quảng Ngãi sản xuất đã lên đường xuất khẩu tạo bệ phóng cho nhiều mặt hàng khác tiếp nối xuất khẩu.

Ngoài trái ớt, tại Quảng Ngãi còn thêm sản phẩm khác cũng "xuất ngoại" là trái chuối do bà con nông dân Đức Phổ sản xuất hay trái cau cũng trở thành mặt hàng nông nghiệp tiếp nối tìm đến thị trường nước ngoài.

Với diện tích khoảng 1.022ha cau, trong đó diện tích trồng tập trung 998ha. Nhiều năm qua, sản phẩm chủ lực của xứ ngàn cau đã chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc)...

Được biết, trên địa bàn huyện Sơn Tây hiện nay có tổng số 16 cơ sở thu mua, chế biến để xuất khẩu khoảng 8.000 tấn mỗi vụ. Theo các chủ cơ sở, nguồn nguyên liệu cau tươi thu tại vùng núi này chỉ đáp ứng khoảng 65% công suất chế biến, xuất khẩu. Cau sau khi sấy được phân loại sản phẩm, đóng gói, xuất cho đại lý hoặc xuất khẩu thẳng sang thị trường các nước.

Hỗ trợ nông dân lên sàn thương mại điện tử tiếp cận thị trường khó tính

Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi Võ Văn Rân, với mục tiêu quảng bá sản phẩm, Sở Công Thương đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đưa sản phẩm của mình lên 2 sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh là www.quangngaitrade.vn và https://ocopquangngai.vn.

Quảng Ngãi đồng hành cùng nông dân đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu- Ảnh 3.

Chuối được đóng gói cẩn thận từng lô trước khi xuất khẩu.

Đến nay, đã có 661 sản phẩm của hơn 220 doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó bao gồm 134 sản phẩm OCOP, 79 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền của tỉnh được đưa lên 2 sàn thương mại điện tỉnh Quảng Ngãi.

Ngoài ra, còn hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước như Shopee, Lazada, Alibaba; hỗ trợ các đơn vị xây dựng thương hiệu trực tuyến, website thương mại điện tử, đăng ký website thương mại điện tử lên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử www.online.gov.vn.

Thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền riêng của đơn vị, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi có 80% doanh nghiệp có website tích hợp với chức năng ứng dụng thương mại điện tử.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng trong nước. Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử vừa mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa từng bước hoàn thiện khâu tiêu thụ sản phẩm.

Quảng Ngãi đồng hành cùng nông dân đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu- Ảnh 4.

Quảng Ngãi có nhiều hỗ trợ để sản phẩm nông nghiệp vươn xa dựa trên nền tảng thương mại điện tử.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương nhấn mạnh: “Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh cũng như sản phẩm OCOP được quảng bá và tiêu thụ trên quy mô lớn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ, không chỉ trong nước mà còn vươn ra xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào các thương lái địa phương”.

Cũng theo ông Phương, qua rà soát các sản phẩm OCOP đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra, Sở vừa đăng ký 10 sản phẩm OCOP Quảng Ngãi tham gia quảng bá, giới thiệu ở một số hệ thống phân phối tại thị trường Mỹ. Đây là cơ hội rất tốt để các chủ thể OCOP Quảng Ngãi tiếp cận thị trường Mỹ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.