Bằng ĐH tại chức vẫn chưa được đánh giá công bằng (ảnh minh họa) |
Tháng 8/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định “Quy định tiêu chuẩn chức danh Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành UBND huyện, thành phố; cấp Trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành UBND huyện, thành phố” sinh năm 1975 trở về sau phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy.
Trước đó, kết quả thanh tra của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi tại 3 huyện Tây Trà, Trà Bồng và Mộ Đức cho thấy, tất cả các địa phương trên đều vi phạm trong việc bổ nhiệm lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc (sinh năm 1975 trở về sau) nhưng không có bằng ĐH chính quy. Theo đó, nhiều trường hợp lãnh đạo được bổ nhiệm nhưng bằng tốt nghiệp đại học trước đó là tại chức. Để “chống cháy”, các trường hợp trên muốn duy trì chức vụ buộc phải học lại đại học chính quy.
Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, Quảng Ngãi thẳng thắn đặt vấn đề: Quy định cán bộ sinh từ năm 1975 trở về sau phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy như vậy có cao quá hay không? Trong khi đó quy định gần đây nhất của T.Ư chỉ yêu cầu trình độ tốt nghiệp đại học trở lên. “Theo tôi, việc đề ra tiêu chuẩn bổ nhiệm để tạo điều kiện cho cán bộ phát triển. Cần quan tâm nhiều đến hiệu quả và chất lượng công việc được giao; đạo đức, sự cống hiến và sáng tạo, người dân có hài lòng với năng lực làm việc của cán bộ hay không, đừng quá đặt nặng về tiêu chuẩn đại học chính quy, hay tại chức”, bà Thư nhận định.
Trái ngược quan điểm trên, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với chủ trương này của tỉnh Quảng Ngãi. “Trong số trên 1.000 thạc sỹ trong toàn tỉnh hiện nay (cao gấp 4 lần thời điểm năm 2010), tôi được biết rất nhiều cán bộ học đại học tại chức, từ xa lấy bằng thạc sỹ bằng cách ghi danh, nộp tiền và đến lớp ngồi dăm hôm rồi thi. Như vậy làm sao có trình độ, năng lực để bổ nhiệm. Thạc sỹ kiểu đó mà làm lãnh đạo thì cơ quan chỉ có nghèo, phá sản”, lãnh đạo một huyện đồng bằng của Quảng Ngãi cho biết.
Trước câu chuyện trên, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Quy định trên của Quảng Ngãi khá cứng nhắc. Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ GD&ĐT ghi rõ: Đối tượng dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ chỉ cần là công dân Việt Nam, đã tốt nghiệp ĐH ngành phù hợp với ngành và chuyên ngành đăng ký dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ. Như vậy, không có quy định nào bắt buộc cử nhân phải có bằng ĐH chính quy mới được thi và học thạc sĩ.
“Hiện nay, các quy định về đào tạo của Nhà nước đều công nhận không phân biệt giữa bằng ĐH tại chức hay chính quy. Xu hướng trong tương lai cũng phải công nhận việc không phân biệt hình thức đào tạo. Chính quy, tại chức hay từ xa... chỉ là phương thức đào tạo, vấn đề là phải kiểm soát được chất lượng đào tạo”, ông Phúc nói.
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, quy định của Quảng Ngãi không sai bởi việc tuyển dụng nhân lực và bổ nhiệm cán bộ cơ sở thuộc thẩm quyền của địa phương. “Hiện, bằng ĐH tại chức và từ xa vẫn còn bị xã hội nhìn nhận chưa thiện cảm vì việc đào tạo còn nhộm nhoạm, chưa đánh giá đúng thực chất năng lực. Đã đến lúc công tác bổ nhiệm cán bộ không nên nhìn ở tấm bằng mà nên đánh giá nhiều ở năng lực. Bằng cấp cử nhân, thạc sĩ kể cả tiến sĩ cũng không nói lên điều gì’, ông Phúc nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận