Khi "lá chắn thép" hư hỏng
Tuyến đê biển qua địa phận phường Hà An, TX Quảng Yên dài khoảng 9km, có nhiệm vụ bảo vệ trên 1.787ha đất nông nghiệp và 2.402 hộ dân với 9.299 nhân khẩu của khu vực. Trên tuyến đê có 3 cống tiêu thoát nước phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Thế nhưng, hiện trên tuyến đê có đoạn bị xuống cấp, lộ diện những bất cập khiến chính quyền và nhân dân địa phương rất lo lắng mỗi khi triều cường, lũ trên sông Chanh dâng cao.
Cùng PV Báo Giao thông đi trên tuyến đê, ông Vũ Tống Tuấn, công chức địa chính - xây dựng phường Hà An xác nhận, trong khoảng 1km tuyến đê chạy qua địa bàn phường làm bằng đất, không có kè đá phía ngoài, cao trình lại thấp hơn khu đoạn liền kề cả mét.
"Các khu vực khác được kiên cố, nên đoạn đê bằng đất này trở nên xung yếu hơn và không khác gì cái phễu dẫn nước vào phía trong nếu xảy ra sự cố. Điểm xung yếu này lại phụ cận với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, nên nếu đê bị sự cố, nước tràn vào thì sẽ uy hiếp đoạn cao tốc qua khu vực này", ông Tuấn nói.
Quan sát của PV Báo Giao thông, từ chân chiếc cầu trên cao tốc Hải Phòng - Hạ Long kéo về thượng nguồn sông Chanh là đoạn đê rất mong manh. Phía ngoài đê là bờ kè bằng đất làm từ lâu, đã bị sóng xói lở nham nhở. Nếu vào lúc thủy triều lên cùng với lũ dâng cao, nguy cơ đê bị vỡ sẽ cận kề.
Trên đoạn đê qua khu 12 và khu 13 dài khoảng 2km, nhưng chỗ thì đổ bê tông, đoạn thì đổ cấp phối. Do có nhiều xe tải loại nhỏ lưu thông, nên khu vực đổ cấp phối đã bị khoét thành những "ổ gà, ổ voi".
Còn ở đoạn gầm cầu vượt cao tốc Hải Phòng - Hạ Long thì lại bằng đất, cũng gập ghềnh những hố, vũng sâu hoắm. Với thực trạng này, khi tuyến đê có sự cố, các phương tiện hộ đê sẽ rất khó di chuyển.
Bà Nguyễn Thị Thu, nhà ở xã Sông Khoai cho biết, đã nhiều lần chứng kiến cảnh triều cường, nước tràn qua mặt đê ở khu vực này.
"Phía trong đê là rất nhiều ruộng vườn, nhà của dân và công trình giao thông. Bà con rất lo lắng khi thấy tuyến đê xung yếu mà nhiều dấu hiệu hư hỏng", bà Thu nói.
Kiến nghị bố trí kinh phí nâng cấp tuyến đê biển Hà An
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Minh Tiến, Chủ tịch UBND phường Hà An cho biết: Cử tri, nhân dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm quan tâm đầu tư cứng hóa tuyến đê biển Hà An.
Đây là vấn đề rất bức thiết để kiểm soát triều cường, phòng chống xói lở bờ biển, giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Theo ông Tiến, tuyến đê ở phường Hà An đã cứng hóa được gần 8km, chỉ còn 1.585m chưa được bê tông cứng hóa, cao trình không bảo đảm, mặt đê đắp bằng đất, nên nguy cơ vỡ đê khi có bão vào lúc triều cường là rất lớn.
Trong khi đó, phường không có kinh phí và không có thẩm quyền đầu tư nâng cấp đoạn đê xung yếu này.
"Trước mắt, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2024, phường đã chủ động gia cố, sửa chữa nhỏ để tăng sức chống chịu xói mòn cho tuyến đê; bố trí các tổ thường trực bảo vệ, thường xuyên tuần tra các vị trí đê xung yếu để phát hiện, xử lý kịp thời các lỗ rò rỉ, lỗ mối, mạch đùn, các vết rạn nứt do dư chấn động đất...", ông Tiến cho hay.
Ông Tiến cho hay, phường đã sớm xây dựng phương án, báo cáo UBND thị xã đầu tư nâng cấp tuyến đê vào kế hoạch đầu tư trung hạn của địa phương để phù hợp với kế hoạch chỉnh trang đô thị, giao thông để nâng cấp TX Quảng Yên lên thành phố trực thuộc tỉnh thời gian tới.
"Mặc dù UBND thị xã đã chỉ đạo kiểm tra thực địa, xác định rõ sự cần thiết và mục tiêu đầu tư để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cơ quan có thẩm quyền chưa xác định được nguồn vốn và thời điểm đầu tư cụ thể", vị lãnh đạo UBND phường Hà An thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận