Xã hội

Quảng Ninh: Những “dòng sông chết” nguy cơ bức tử vịnh Hạ Long

12/06/2024, 08:08

Nhiều dòng sông chảy ra vịnh Cửa Lục rồi đổ ra vịnh Hạ Long đang cạn trơ đáy và đầy đất đá, có nguy cơ tác động tiêu cực đến di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Sông suối cạn trơ đáy, đục ngầu

Những ngày đầu tháng 6, ghi nhận của PV Báo Giao thông dọc theo triền sông Bang ở TP Hạ Long, sông Diễn Vọng và sông Đá Bạc ở TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), các dòng sông đang bị cạn trơ đáy. 

Quảng Ninh: Những “dòng sông chết” nguy cơ bức tử vịnh Hạ Long- Ảnh 1.

Mặt sông Diễn Vọng bị bồi lắng, nhiều chỗ lội bộ qua được.

Đứng trên cầu Bang vào ngày thủy triều xuống, hai bên bờ là những đụn cát, chất thải bồi lắng thành những ụ, đụn cao, dòng sông chỉ còn lại một lạch nhỏ, nước đục ngầu. Những chiếc tàu vào, ra cụm cảng Làng Khánh rất khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Hải, nhà ở phường Hà Khánh, TP Hạ Long cho biết, trước đây sông Bang trong xanh, nhiều cá, tôm, là nơi mưu sinh của người dân khu vực. Nhưng khoảng chục năm nay, trên thượng nguồn, rừng bị đốn trọc, nhiều khu vực khai thác than để lại những bãi thải khổng lồ. 

Vào mùa mưa, đất, đá thải mỏ trôi theo nước ra suối, ra sông rồi đổ ra vịnh Cửa Lục và vịnh Hạ Long. Luồng lạch sông Bang bị thu hẹp, nước có dấu hiệu ô nhiễm nên cá tôm cũng chẳng còn nhiều.

Ngược dòng sông Bang về phía tiếp giáp giữa TP Hạ Long và TP Cẩm Phả là đến sông Diễn Vọng. Gọi là sông, nhưng ở đoạn thượng nguồn, lòng sông chỉ như con suối nhỏ, có thể lội bộ qua dễ dàng.

Từ quốc lộ 279 nhìn xuống sông Diễn Vọng, những đụn cát, sỏi, đá từ dòng suối Tỉnh Đoàn đã và đang vùi kín mặt dòng sông. Ở khu vực hạ lưu đổ ra sông Diễn Vọng của suối Tỉnh Đoàn là khai trường Hà Ráng thuộc Công ty Than Hòn Gai - TKV. Tại đây, những bãi thải hàng chục triệu mét khối đất, đá dù đã được xây kè chắn nhưng vẫn có những mảng sạt trượt trôi ra sông, suối.

Qua sông Diễn Vọng là sông Đá Bạc chia đôi ranh giới xã Hòa Bình, TP Hạ Long với phường Quang Hanh, xã Dương Huy thuộc TP Cẩm Phả. Do hoạt động khai thác than ở 2 bên bờ và vùng thượng nguồn, nên dòng sông này giờ gần như đã biến mất. Thay vào đó là một dòng chảy nhỏ nhoi, đục ngầu bùn đất...

Những dòng sông bị uy hiếp

Anh Nguyễn Công Huy, nhà cạnh sông Đá Bạc cho biết: Trước kia tàu, thuyền dễ dàng từ vịnh Hạ Long vào sông Bang, sông Diễn Vọng và Đá Bạc để vận tải than, trao đổi nông lâm sản. Đến khoảng những năm 70 thế kỷ trước, dòng sông bị ngăn lại để làm đập nước, tàu thuyền không thể lưu thông nữa. Tuy nhiên, dòng chảy của sông thời điểm đó vẫn rất rộng.

Quảng Ninh: Những “dòng sông chết” nguy cơ bức tử vịnh Hạ Long- Ảnh 2.

Nhiều vùng sinh thủy của sông Diễn Vọng, sông Đá Bạc bị bủa vây bởi những núi đất, đá thải mỏ không lồ.

"Khoảng hơn 20 năm trở lại đây, cả khu vực hoạt động khai thác than. Những cánh rừng nguyên sinh bị chặt hạ để lấy chỗ mở lò, đào lộ thiên và lấy gỗ chống, gỗ chèn. Rừng bị cạo trọc, đất, đá thải mỏ đổ khắp nơi rồi bị mưa, lũ cuốn xuống đã lấp đầy dòng sông Đá Bạc", anh Huy cho hay.

Không chỉ 3 dòng sông nêu trên bị bồi lắng, lấp đầy, những con suối đổ ra sông Đá Bạc, sông Diễn Vọng cũng bị uy hiếp nặng nề. Điển hình là suối Ngã Hai, suối Lép Mỹ đã bị thu hẹp, cạn trơ đáy.

Ghi nhận của PV, dòng suối Lép Mỹ chảy từ khu vực của các đơn vị khai thác than như: Than Dương Huy, Quang Hanh thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Công ty Khe Sim thuộc Tổng công ty Đông Bắc. 

Nhiều khu vực đất, đá thải mỏ nằm áp ngay dòng suối Lép Mỹ, nhưng hệ thống bờ kè lại không được đầu tư đồng bộ, nên thường xuyên gây bồi lắng.

Loay hoay xử lý

Ông Nguyễn Công Đáng, Phó giám đốc Công ty Than Hòn Gai - TKV thừa nhận, hoạt động khai thác than có tác động đến dòng chảy sông Diễn Vọng.

Quảng Ninh: Những “dòng sông chết” nguy cơ bức tử vịnh Hạ Long- Ảnh 3.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy, các hoạt động khai thác than đã và đang "bức tử" sông Diễn Vọng.

Theo ông Đáng, khai trường Hà Ráng nằm ngay thượng nguồn sông Diễn Vọng ở khu vực giáp ranh giữa phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả và phường Hà Khánh, TP Hạ Long. Trước đây, khai trường này thuộc Công ty Hạ Long - TKV và mới được TKV bàn giao sang Công ty Than Hòn Gai – TKV từ ngày 1/7/2020.

Theo giấy phép khai thác ngày 9/10/2019, đơn vị được quyền khai thác than bằng phương pháp lộ thiên tại vỉa 16 mỏ Hà Ráng với trữ lượng 259.918 tấn, công suất khai thác là 144.140 tấn/năm, thời hạn khai thác là hết năm 2020.

Sau khi tiếp quản lại, do thời gian giấy phép khai thác than lộ thiên còn quá ngắn, nên công ty đã dừng hoạt động khai thác lộ thiên, chỉ duy trì khai thác hầm lò mỗi năm chưa đến 100.000 tấn.

Ông Đáng khẳng định, từ khi kết thúc khai thác lộ thiên đến nay, công ty đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, chống đất, đá vùi lấp ra suối Tỉnh Đoàn, sông Diễn Vọng... Tuy nhiên, thượng nguồn dòng suối Tỉnh Đoàn có hoạt động khai thác than, công trình dân sinh của người dân và doanh nghiệp khác, nên đất đá vẫn tiếp tục bị cuốn trôi.

"Công ty cũng rất trăn trở bảo vệ môi trường, nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm", ông Đáng nói.

Đại diện Công ty Than Quang Hanh - TKV cũng thừa nhận, hoạt động khai thác than của doanh nghiệp đã có tác động tiêu cực đến các dòng suối, dù đã triển khai nhiều biện pháp, chi nhiều tỷ đồng nhưng chưa hiệu quả. "Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu, đầu tư có chiều sâu hơn để hạn chế tác động tiêu cực", vị này nói.

Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long, hiện Ban chỉ đảm nhiệm vớt rác trên vịnh và ngăn chặn các nguồn phát thải trên vịnh cũng như các điểm tham quan, tàu chở khách. Nguồn phát thải trên bờ xuống là trách nhiệm của các địa phương tiếp giáp với vịnh.

Ông Ngọc Thái Hoàng, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho biết, để đánh giá được thực trạng, trách nhiệm của từng đơn vị cụ thể, cần rà soát tổng thể để từ đó đưa ra các giải pháp căn cơ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.