Thiết bị, phương tiện hoạt động rầm rộ tại bãi tập kết VLXD của Công ty S&Đ ở sông Đá Vách
Tấp nập tàu thuyền, triền đê bị uy hiếp
Sông Đá Vách nằm giáp ranh giữa TX Đông Triều (Quảng Ninh) và TX Kinh Môn (Hải Dương). Từ địa phận phường Kim Sơn, TX Đông Triều, PV Báo Giao thông tìm ra bờ sông và ghi nhận nhiều cảng rộng hàng ngàn m3 chất đầy cát, đá sỏi. Dưới sông, nhiều con tàu tấp vào lấy hàng nhộn nhịp.
Tuy cảng nằm khá xa với khu dân cư, song vào những ngày nắng, hoạt động xay, nghiền đất đá ở đây bụi mù theo gió cuốn vào cánh đồng trồng hoa màu của bà con ở phía trong. Nhiều lần, người dân đã kiến nghị cơ quan chức năng xử lý, không để ô nhiễm môi trường nhưng thực trạng vẫn không thay đổi.
Tiếp cận gần hơn với cảng của Công ty TNHH Thương mại S&Đ, PV ghi nhận lượng sỏi, đá được tập kết về cảng lên tới hàng ngàn m3. Tại đây, máy nghiền sỏi, đá hoạt động ầm ĩ; những chiếc ô tô tải trọng lớn ra vào liên tục “ăn” hàng, bụi cuốn lên mù mịt. Toàn bộ nước thải từ hoạt động bơm, rửa cát, sỏi đều xả thẳng xuống sông; nhiều chỗ cát, đá bị đổ tràn xuống mặt nước…
Cách đó vài chục mét, là bãi tập kết hàng hoá của Công ty TNHH Thương mại S&Đ có lượng cát tập kết lên tới hàng vạn m3. Phía mặt cảng này dài hàng trăm mét, nhiều chiếc tàu tải trọng vài ngàn tấn liên tục bơm cát đưa lên bãi.
Trên đường trở ra, PV gặp những chiếc xe tải trọng lớn chở vật liệu khá nặng, chật vật trườn qua những hố, vũng ngổn ngang trên mặt đường. Đây là tuyến đường được mở lấn vào thân đê bao của khu Gia Môn, khu Nhuệ Hổ.
Tuyến đê này có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho nhiều hộ dân và hàng chục ha canh tác nông nghiệp ở khu vực phía trong. Với đà xe tải trọng lớn quần thảo như hiện nay, tuyến đê bao này đang thực sự bị uy hiếp nghiêm trọng.
Chính quyền loay hoay xử lý, doanh nghiệp “nhởn nhơ”?
Theo thống kê của Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn TX Đông Triều còn có tới 8 cảng, bến hoạt động không phép. Địa điểm chủ yếu là ở sông Đá Vách, sông Cầm và sông Đạm Thuỷ. Trong đó, hệ thống cảng, bến ở sông Đá Vách là phức tạp nhất, khó quản lý nhất.
Theo tài liệu do UBND phường Kim Sơn cung cấp, số cảng, bến trái phép trên địa bàn đã qua rất nhiều chủ do hoạt động sang nhượng, cho thuê lại. Điển hình là Công ty TNHH Đầu tư thương mại Nam Cường có địa chỉ tại phường Kim Sơn đã mượn lại của một cá nhân với diện tích 4.082m2 từ ngày 1/1/2017; hộ ông Lê Văn Lương thuê lại của chính quyền TX Đông Triều trên 3.547m2…
Đại diện Công ty TNHH Thương mại S&Đ cho biết, doanh nghiệp thuê lại diện tích vài ngàn m2 ở ven sông Đá Vách để làm bãi tập kết, chế biến vật liệu xây dựng được hơn 2 năm nay.
Từ khi được thuê đến nay, doanh nghiệp đã nhiều làm thủ tục cam kết bảo vệ môi trường cũng như xin giấy phép hoạt động cảng thuỷ nội địa. Tuy nhiên, do khu vực này đang có dự án giao thông đi qua, nên chưa thể hoàn thiện được thủ tục…
“Chúng tôi cũng mong muốn, khi tuyến đường đi qua hoàn thiện, cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm các thủ tục cần thiết…”, đại diện công ty cho biết.
Theo ông Vương Văn Thống, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Kim Sơn, các cảng ở khu vực này hoạt động không phép từ hàng chục năm về trước, hầu hết chưa có cam kết bảo vệ môi trường. Chính quyền địa phương nhiều lần kiểm tra, yêu cầu khắc phục, nhưng đến nay chưa đơn vị nào hoàn thiện thủ tục theo quy định.
“Hiện cơ quan chức năng đang phối hợp kiểm tra để xử lý những tập thể, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, khu vực này đang nằm trong ranh giới giải phóng mặt bằng để làm tuyến đường ven sông từ cao tốc Hải Phòng - Hạ Long lên TX Đông Triều, do vậy cơ quan chức năng đang tiếp tục tính toán để xử lý phù hợp”, ông Thống nói.
Cũng theo ông Thống, hầu hết các chủ cảng, bến đều không hợp tác với chính quyền. Nhiều lần địa phương yêu cầu lên làm việc để kiểm tra các thủ tục, nhưng hầu hết họ đều “né” với lý do… bận (?)
“Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của thị xã cương quyết xử lý các cảng bến vi phạm, chây ỳ, bất hợp tác…”, ông Thống nói.
Đại diện Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, cảng bến trên địa bàn hiện nay đã phân cấp, phân quyền cho cấp huyện quản lý. Do vậy, việc tồn tại các cảng, bến không phép thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Do vậy, chính quyền địa phương cần căn cứ vào quy hoạch để hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục cấp phép hoạt động bến thuỷ nội địa theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận