Xã hội

Quảng Ninh: Dân khổ vì dự án hơn 100ha “treo”

04/07/2024, 09:30

Dự án quy hoạch mỏ sét ở xã Thống Nhất, TP Hạ Long (Quảng Ninh) rộng hơn 100ha nhưng không triển khai suốt chục năm qua, ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 300 hộ dân nằm trong vùng dự án.

Cuộc sống bất an 

Trưa tháng 7, trời nắng nóng, ông Lê Văn Đoàn, 77 tuổi ở xóm 5, thôn Xích Thổ, xã Thống Nhất mướt mát mồ hôi nấu ăn trong căn bếp thấp lè tè, cũ nát. Ông Đoàn kể, nhà và bếp của gia đình xây dựng từ năm 1986, nay đã xuống cấp, sắp sập nhưng không được phép xây, sửa vì nằm trong vùng dự án mỏ khai thác đất sét.

Quảng Ninh: Dân khổ vì dự án hơn 100ha “treo”- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hòa kể lại thời khắc viên ngói từ trên mái nhà rơi xuống giường đúng lúc bà vừa đi ra ngoài.

"Nhà tôi có mấy con đã xây dựng gia đình. Đất thì rộng, bìa đỏ có đủ nhưng không cắt đất cho các cháu làm nhà được. Chúng tôi cũng không được xây nhà", ông Đoàn kể.

Bà Nguyễn Thị Hòa, 76 tuổi, chỉ vào vết thủng khá to trên mái nhà cho biết: "Căn nhà thì nứt trước, nứt sau, mái sắp sập. Hôm ấy trời mưa đá rất to, làm viên ngói bị vỡ, rơi thẳng đúng chỗ giường nằm. May mà không có ai nằm ngủ lúc ấy".

Quảng Ninh: Dân khổ vì dự án hơn 100ha “treo”- Ảnh 2.

Gia đình ông Phạm Đình Thắng phải sống trong căn nhà cũ, nát không biết sập lúc nào.

Cạnh đó, căn nhà của ông Phạm Đình Thắng cũng sắp sập đến nơi. Ông Thắng đang trông 2 bé gái sinh đôi trong căn nhà lụp xụp, nóng như chảo rang cho biết: "Đất có nhưng không được xây nhà. Dự án kiểu gì mà kéo dài hơn chục năm không thấy đả động việc đền bù, giải phóng mặt bằng", ông Thắng bức xúc.

Chị Nguyễn Thị Hoa, con dâu ông Thắng là con gái Hà Nội, về làm dâu ở Quảng Ninh. Ngay sau đám cưới, chị được bố mẹ chồng cho một mảnh đất để làm nhà. Nào ngờ, khi vợ chồng đi mua vật liệu để chuẩn bị xây mới té ngửa, đất nằm trong dự án, đến sửa nhà cũng không được. Vậy là hai vợ chồng phải xuống ở căn nhà ngang, nứt toác khắp nơi. 

Đi lại khó khăn

Việc đi lại của bà con ở vùng dự án mỏ sét tại thôn Xích Thổ cũng rất vất vả. Do là vùng dự án nên ngân sách không đầu tư được công trình giao thông, bà con phải tự bỏ tiền ra làm. Tuy nhiên, hiện nhiều điểm đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đặc biệt, bến dùng để tập kết sản phẩm nằm ở cửa sông đổ ra vịnh Cửa Lục cũng bị doanh nghiệp đầu tư dang dở rồi bỏ không, gây ảnh hưởng đến luồng lạch, rừng ngập mặn...

Quảng Ninh: Dân khổ vì dự án hơn 100ha “treo”- Ảnh 3.

Do nằm trong quy hoạch, nên hạ tầng giao thông ở thôn Xích Thổ không được đầu tư.

Bà Hà Thị Thới, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Xích Thổ cho biết, trong vùng dự án mỏ sét hiện nay có gần 300 hộ dân sinh sống. Hầu hết các nhà dân xây từ lâu nên đã xuống cấp. Cơn bão mới đây đã làm một số nhà dân bị sập, may là không thiệt hại về người. Quy định đất trong vùng dự án không được xây sửa nhà, nhưng nhà dân sập rồi, cơ quan chức năng cũng đành phải để dân sửa tạm để ở.

"Chúng tôi đã bao năm kiến nghị cấp có thẩm quyền kiểm tra, xem xét và yêu cầu doanh nghiệp nếu tiếp tục triển khai thì đền bù, giải phóng mặt bằng. Nếu không làm được thì thu hồi để người dân còn ổn định cuộc sống. Như hiện nay, bà con muốn có tuyến đường rộng rãi để đi lại cũng không được phép làm", bà Thới kiến nghị.

Đang xem xét, thu hồi dự án

Theo ông Phạm Văn Luyến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, dự án khai thác sét làm vật liệu xây dựng sản xuất gạch tại thôn Xích Thổ được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt từ năm 2012 cho Công ty CP Viglacera Hạ Long.

Quảng Ninh: Dân khổ vì dự án hơn 100ha “treo”- Ảnh 4.

Bãi tập kết sản phẩm của doanh nghiệp nằm ngay ở cửa sông ra vịnh Cửa Lục cũng bị bỏ hoang.

Ban đầu, dự án được quy hoạch với tổng diện tích 108ha, triển khai trong 5 giai đoạn, mỗi giai đoạn 6 năm, thời hạn cấp phép 30 năm. Đến ngày 13/8/2013, UBND tỉnh cấp giấy phép cho phép Công ty CP Viglacera Hạ Long khai thác khoáng sản, diện tích mỏ sét thu hẹp còn 94,52ha với trữ lượng 12.300.000m3, công suất khai thác 320.000m3/năm, thời gian khai thác 30 năm. Tổng số vốn đầu tư dự án 600 tỷ đồng, bao gồm cả triển khai dự án tái định cư cho các hộ dân.

Tuy nhiên, đến nay sau nhiều năm thực hiện, chủ đầu tư mới giải phóng mặt bằng được 5,02ha trong tổng diện tích 94,52ha dự án.

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Phan Thị Hải Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long cho biết, ngày 12/4/2024, UBND thành phố đã có văn bản giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, yêu cầu chủ đầu tư giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất, xác lập hiện trạng dự án.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, cơ quan chức năng của địa phương sẽ tham mưu UBND thành phố báo cáo UBND tỉnh xem xét xử lý, thu hồi quyết định giao/thuê đất, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư và thu hồi, bãi bỏ quy hoạch chi tiết theo thẩm quyền đối với dự án. Hiện các quy trình đang được cơ quan chức năng xem xét tổng thể.

Theo ông Phạm Văn Luyến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, dự án thuộc diện chậm tiến độ, vì thế nhiều năm nay, UBND TP Hạ Long đã liên tiếp có văn bản để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, xử lý. Tuy nhiên, đến nay, việc xử lý thế nào vẫn chưa được cấp có thẩm quyền ra quyết định cụ thể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.