Khổ vì sống trong vùng dự án
Gần chục năm nay, 13 hộ dân ở thôn Khe Mai, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) phải sống trong cảnh khó khăn về giao thông, nhà cửa đổ sập nhưng không được sửa chữa, vì khu vực này từng thuộc diện giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án Khu dịch vụ hậu cần Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Vân Đồn.
Dự án Khu dịch vụ hậu cần Cảng HKQT Vân Đồn từng được phê duyệt triển khai trên khu xen kẹp giữa Cảng HKQT Vân Đồn và tuyến đường giao thông trục chính nối các khu chức năng của Khu kinh tế Vân Đồn nằm song song với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (dự án xen kẹp - PV). Tuy nhiên, hiện dự án đã dừng đầu tư.
Bà Trương Thụy Tình, Phó chủ tịch HĐND xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn cho biết: Tại nơi 13 hộ dân thôn Khe Mai sinh sống này vốn là khu dân cư trù phú, hạ tầng tương đối thuận lợi. Từ khi dự án xen kẹp được triển khai, hầu hết các hộ dân đã được di chuyển đi nơi khác ổn định cuộc sống. Do đó, khu vực này hạ tầng giao thông, thủy lợi không còn được nâng cấp, chăm sóc, gây khó khăn cho cuộc sống của những hộ dân còn lại.
Chị Phi Thị Sáu, một trong những hộ dân còn lại tại dự án xen kẹp chỉ vào căn nhà cấp 4 đã sập cho biết, căn nhà này chị cho con gái khi đi lấy chồng. Gần chục năm trước, khi dự án xen kẹp được triển khai, chị đã bảo con về nhà chồng sinh sống, khi nào nhận tiền đền bù sẽ lấy đất tái định cư rồi xây nhà mới.
"Nhiều hộ xung quanh nhà tôi được nhận tiền đền bù, chuyển ra khu tái định cư ở từ lâu. Vậy mà mẹ con tôi lại không được nhận. Do nhà trong vùng dự án thì không được sửa chữa, nên căn nhà tôi cho con gái đã sập", chị Sáu lý giải.
Căn nhà của bà Lê Thị Hải ở cuối thôn Khe Mái, giáp với Cảng HKQT Vân Đồn cũng đã đổ sập hoàn toàn. Bà Hải kể, năm 1985, vợ chồng bà từ Thái Bình ra khu vực này theo diện kinh tế mới. Đất ở, đất vườn của gia đình bà Hải có khoảng 5.000m2 sau khi đã tách cho các con.
"Lúc chưa có dự án, nhà cửa, công trình của gia đình đều ổn định. Nhưng từ khi dự án vào kiểm đếm xong, việc sửa chữa đều phải dừng lại, nên giờ các công trình đã đổ sập hoàn toàn như này. Từ một người có nhà cửa đàng hoàng, tôi bỗng dưng thành người phải đi ở nhờ các con. Tuổi tôi đã già, chẳng biết có kịp nhận được tiền đền bù không nữa?", bà Hải lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Thủy, con dâu bà Hải đưa cho PV Báo Giao thông xem thông báo thu hồi đất, biên bản kiểm đếm, phương án đền bù cho gia đình bà Hải là hơn 1,3 tỷ đồng do cấp có thẩm quyền ký, thắc mắc: "Toàn thôn có 129 hộ thuộc diện đền bù thực hiện dự án thì đã có 116 hộ nhận tiền đi rồi, vậy sao hộ nhà tôi chỉ được kiểm đếm rồi "treo" đó?".
Loay hoay giải quyết
Qua tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án xen kẹp được triển khai từ năm 2016. Công tác GPMB thực hiện từ tháng 4/2017 với tổng số 129 hộ bị ảnh hưởng, diện tích khoảng 35,64ha.
Theo Quyết định 538, ngày 22/2/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh thì dự án Khu dịch vụ hậu cần Cảng HKQT Vân Đồn có diện tích là 37,23ha, do Công ty CP Mặt Trời Vân Đồn có trách nhiệm ứng trước kinh phí phục vụ công tác GPMB.
Năm 2018, Công ty CP Mặt Trời Vân Đồn đã có công văn báo cáo không tiếp tục thực hiện dự án, nên UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư dự án này.
Đến ngày 18/3/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định số 1161, đồng ý trích 94,361 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để thực hiện công tác GPMB dự án xen kẹp.
Sau khi có kinh phí, UBND huyện Vân Đồn đã đền bù, bố trí tái định cư cho 116/119 hộ và đã bàn giao 25,34/35,64ha cho chính quyền quản lý. Kinh phí đã chi trả cho người dân là trên 93,28 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong dự án lại còn 13 hộ chưa được xem xét giải quyết GPMB, khiến cuộc sống của họ gặp khó khăn.
Điều đáng nói là, mặc dù đã có rất nhiều cuộc làm việc, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh và các sở, ngành hữu quan, nhưng đến nay, việc xem xét giải quyết cho 13 hộ nêu trên vẫn bế tắc.
Điển hình là ngày 28/2/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn giao UBND huyện Vân Đồn tự cân đối ngân sách, bố trí kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất để tiếp tục GPMB phần còn lại của dự án xen kẹp. Sở Tài chính hướng dẫn UBND huyện Vân Đồn thực hiện các thủ tục liên quan.
Thế nhưng, ngày 22/4/2022, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản cho rằng: Dự án đến nay chưa được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt, chưa đủ điều kiện theo quy định để cấp mã số quan hệ ngân sách, nên không mở tài khoản thanh toán vốn tại kho bạc được. Vì thế, Sở Tài chính đã hướng dẫn UBND huyện Vân Đồn nghiên cứu, báo cáo UBND tỉnh cho phép lập dự án đầu tư để từ đó tiến hành các thủ tục tiếp theo.
Thực hiện hướng dẫn của Sở Tài chính, ngày 31/8/2022, UBND huyện Vân Đồn đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, hướng dẫn địa phương triển khai việc lập, phê duyệt phương án chi trả, bố trí tái định cư cho 13 hộ thuộc dự án.
Cụ thể là UBND huyện Vân Đồn đã xác định được phần diện tích cần GPMB của 13 hộ là gần 21.137m2 với tổng kinh phí khoảng 36,47 tỷ đồng, trong đó có 10 hộ cần bố trí tái định cư. UBND huyện Vân Đồn cũng dự kiến khu vực bố trí tái định cư cho 10 hộ là ở xã Đoàn Kết. Số tiền dự kiến thu về cho ngân sách nhà nước đối với việc bố trí tái định cư cho 10 hộ là 30 tỷ đồng… Thế nhưng, đến nay, các phương án này vẫn chưa được triển khai.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Văn Chiến, Trưởng Ban tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, những kiến nghị của những hộ dân còn lại thuộc dự án xen kẹp đã được đơn vị tiếp nhận.
"Việc GPMB liên quan đến các hộ dân này hiện có nhiều vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục theo quy định. Hiện, đơn vị đang tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND huyện Vân Đồn xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian mới giải quyết được", ông Chiến nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận