Đường thủy

Quảng Ninh: Dự án nạo vét luồng tắc 5 năm, tàu thuyền gặp khó

22/09/2022, 07:00

Dự án bị "đắp chiếu" khiến tàu, thuyền gặp khó khi lưu thông vào cảng, thậm chí có nhiều tàu chở vật liệu bị đắm khi chờ nước lên.

Dù rất nhiều lần ngư dân kêu cứu, nhiều đoàn khảo sát, làm việc nhưng 5 năm qua, dự án nạo vét luồng vào cảng Đầm Buôn trên sông Đầm Hà, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) vẫn “án binh bất động”.

img

Luồng sông vào cảng Đầm Buôn bị bồi lắng thành những đụn cát khổng lồ. Vùng cửa sông Đầm Hà chảy vào cảng Đầm Buôn bị bồi lắng nghiêm trọng

Sông cạn trơ đáy, tàu thuyền loay hoay vào cảng

Huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) có một số cảng loại nhỏ, trong đó cảng Đầm Buôn là vị trí tập kết vật liệu xây dựng và khu neo đậu của hàng trăm tàu, thuyền đến từ huyện Đầm Hà và các vùng lân cận. Tuy nhiên, luồng vào cảng này lại bị bồi lắng từ lâu, chưa được nạo vét, khiến tàu thuyền ra vào rất khó khăn.

Chỉ vào những con tàu loại nhỏ đang phải đánh vật khi “trườn” qua các đụn cát nằm ngổn ngang trên mặt sông để vào cảng Đầm Buôn, ông Ngô Văn Cảnh, cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đầm Hà cho biết: “Khi thủy triều lên thì việc tàu, thuyền vào cảng còn đỡ, nhưng khi triều cạn thì gần như nơi đây “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần báo cáo cấp có thẩm quyền ở Trung ương hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện mô hình xã hội hóa dự án nạo vét cảng Đầm Buôn nhưng chưa tháo gỡ được. Và như vậy, dự án vẫn... nằm trên giấy.
Cảng Đầm Buôn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Nếu triển khai theo mô hình xã hội hóa gặp khó khăn thì tỉnh Quảng Ninh cần đề xuất phương án dùng ngân sách Nhà nước để nạo vét. Chứ cứ đà như hiện nay thì chẳng biết đến bao giờ mới triển khai được.

Ông Đào Biên Thùy, Phó chủ tịch Thường trực HĐND huyện Đầm Hà

Theo quan sát, mặt cảng Đầm Buôn được đầu tư từ khá lâu, nay đã xuống cấp.

Nhiều gờ đảm bảo an toàn cho phương tiện lùi ra mép nước bốc hàng hóa đã “bốc hơi” và chưa hề được thay thế. Còn khu vực mặt nước cảng ở phía Tây thì bị bồi lắng nhô lên thành từng đụn khi thủy triều xuống...

Ở khu vực phía Đông Bắc của cảng tuy có khả quan hơn nhưng cũng lô nhô những đụn cát lập lờ trên mặt nước.

Chật vật lái chiếc tàu nhỏ vào cặp cảng, anh Hoàng Văn Thành, nhà ở thôn Đầm Buôn, xã Đầm Hà than thở: Những chiếc thuyền nhỏ còn vào được, chứ tàu lớn thì “bó tay” khi thủy triều xuống...

Nhiều tàu lớn của ngư dân trong xã ra khơi lúc trở về muốn vào cảng tiêu thụ thủy sản, lấy vật tư đúng lúc thủy triều xuống đều không thể vào mà phải sang tận huyện Vân Đồn hoặc Hải Hà cách đó mấy chục hải lý.

Anh Thành kể, trong trận bão số 2 năm 2021, nhiều tàu, thuyền không về được cảng phải đi nơi khác, nên đã bị đắm trên đường đi tránh, trú bão.

Còn tàu, thuyền vào được cảng cũng rất lo lắng bởi thực tế đã nhiều lần xảy ra đâm, va vào nhau do mặt nước cảng quá hẹp lại bị bồi lắng. Chuyện gãy chân vịt, bục mạn tàu, thuyền thì xảy ra thường xuyên...

Có nhiều trường hợp người dân địa phương bị bệnh phải đi cấp cứu, người thân phải khiêng, lội bộ trên bãi triều gần chục cây số.

Điển hình như cách đây hơn 1 năm, một phụ nữ ở thôn Đầm Buôn cùng chồng ra biển thì trở dạ. Tàu vội quay về cảng, nhưng đến cửa sông thì thủy triều rút, tàu mắc cạn. Gia đình phải huy động người cáng sản phụ lội bùn mấy cây số vào đất liền đưa đi viện.

“Tắc” phương án nạo vét theo hướng xã hội hóa

img

Do luồng vào khó khăn, lúc thủy triều xuống chỉ có những phương tiện nhỏ neo đậu được ở cảng Đầm Buôn

Ông Lương Quốc Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đầm Hà cho biết: Cảng Đầm Buôn nằm ở hạ lưu dòng thoát lũ của đập Đầm Hà Động.

Khu vực này rất nhiều đất, cát, bùn từ thượng lưu trôi ra. Trong khi đó, ở phía luồng ra biển thì lại quá hẹp và lâu không được nạo vét. Chính quyền và nhân dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị nạo vét, triển khai phương án tách dòng chạy từ thượng nguồn ra khỏi khu vực này nhưng vẫn chưa có tiến triển gì.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, luồng sông Đầm Hà dài 7km được công bố là luồng cấp IV, theo quy hoạch đến năm 2030 sẽ nâng cấp kỹ thuật luồng đạt cấp III.

Ngày 12/12/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt phương án nạo nét luồng sông Đầm Hà, dự kiến sẽ nạo vét 4,735km có chiều rộng 60m, chiều sâu chạy tàu 2,7m. Khối lượng nạo vét theo dự kiến là trên 757.504m3 gồm cát pha, cát lẫn cuội và sét pha; hình thức thực hiện dự án là xã hội hóa, không sử dụng tiền ngân sách.

Kể từ khi được phê duyệt đến nay, các sở, ngành hữu quan của tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với huyện Đầm Hà triển khai rất nhiều khâu, nhiều bước từ khảo sát, thiết kế, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường... với phương thức xã hội hóa, vật liệu nạo vét do Công ty Texhong Việt Nam tiếp nhận.

Tuy nhiên, ngày 8/4/2020, Công ty Texhong Việt Nam có văn bản chỉ đồng ý tiếp nhận chất nạo vét là cát sông và sỏi - loại vật liệu có thể sử dụng san lấp mặt bằng khu công nghiệp với giá cả hợp lý. Tới ngày 17/6/2020, doanh nghiệp này lại có văn bản xin được miễn giảm chi phí vật liệu nạo vét phục vụ san lấp khu công nghiệp.

Theo ông Đào Biên Thùy, Phó chủ tịch Thường trực HĐND huyện Đầm Hà, nếu thực hiện theo phương án đề xuất của doanh nghiệp sẽ không thể triển khai được theo hình thức xã hội hóa.

Bởi sản phẩm nạo vét luồng sông Đầm Hà được xác định là phục vụ san lấp khu công nghiệp cảng biển Hải Hà nhưng chưa xác định được chi phí tiếp nhận, khối lượng tiếp nhận.

Do có vướng mắc như vậy, nên cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh cho phép triển khai dự án theo các dự án xã hội hóa thông thường khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.