Xã hội

Quảng Ninh: Hạ tầng giao thông gắn phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng

19/04/2023, 14:27

Do hạ tầng giao thông đồng bộ, Quảng Ninh đang có bước tiến mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Đầu tư các trục giao thông trọng điểm tạo liên kết vùng, liên vùng

Quảng Ninh có địa hình trải dài gần 250km từ Đông Triều đến Móng Cái. Những năm trước đây, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn do địa hình cách trở, nhiều sông suối, đồi núi; chỉ có 1 đường huyết mạch chạy dọc tỉnh là Quốc lộ 18A nhỏ hẹp.

img

Cao tốc từ Hải Phòng đi Móng Cái, công trình giao thông động lực tạo liên kết vùng cho Quảng Ninh

Các tuyến quốc lộ khác như 18B, 18C, 279 cũng nhỏ, hẹp, xuống cấp và cũng chỉ tạo sự liên kết cục bộ trong từng vùng, chưa có tính liên vùng. Đây là rào cản lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội dù là địa phương có nhiềm năng, lợi thế và được ví là "Việt Nam thu nhỏ".

Với tư duy sáng tạo, đổi mới và đột phá, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm cả ở thành thị, nông thôn, miền núi và hải đảo.

Trong đó, đặc biệt chú trọng những công trình đóng vai trò kết nối vùng, liên vùng để phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh ngày càng bền vững.

img

Tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả kết nối chặt chẽ 2 thành phố trung tâm của Quảng Ninh

Điển hình là tuyến cao tốc từ Hải Phòng qua TP Hạ Long, Vân Đồn và ra TP Móng Cái có chiều dài 176km, chiếm 16,83% tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước, được thiết kế với vận tốc 120km/giờ, 4 làn xe, tổng vốn đầu tư hơn 44 nghìn tỷ đồng do vốn của tỉnh và doanh nghiệp đầu tư.

Tuyến đường đã rút ngắn thời gian di chuyển Hà Nội - TP Móng Cái từ 7 giờ như trước đây xuống còn khoảng 3 giờ như hiện nay, đưa Quảng Ninh trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác "Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc", hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng.

Đồng thời, tuyến đường góp phần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng…

img

Công trình cầu trong dự án đường ven sông đang được khẩn trương thi công

Nhằm tiếp tục phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, phát huy lợi thế kết nối giao thông đường thủy, cảng thủy nội địa, Quảng Ninh đã quyết định đầu tư công trình Đường ven sông với chiều dài 40,93km đi qua TX Quảng Yên, TP Uông Bí và TX Đông Triều.

Công trình được khởi công từ cuối tháng 12/2022 với quy mô đường cấp III đồng bằng, 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn đường gom), tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương và tỉnh.

Toàn tuyến bố trí 13 cầu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực và 9 nút giao cùng mức giao cắt với các tuyến Quốc lộ 18, Quốc lộ 10, Tỉnh lộ 338, Tỉnh lộ 333… Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024.

img

Cầu Lại Xuân nối Quảng Ninh với Hải Phòng ở địa phận TX Đông Triều đang được thi công

Cùng đó, Quảng Ninh đã và đang tiếp tục đầu tư các nguồn lực để nâng cấp hệ thống giao đường bộ, cảng biển, đường sắt, sân bay… Qua đó tạo liên kết chặt chẽ giữa nội vùng, liên vùng gắn kết chặt chẽ thế trận quốc phòng - an ninh liên hoàn giữa trung tâm với đồng bằng, miền núi và biên giới, hải đảo.

Kết nối giao thông tạo thế trận phòng thủ liên hoàn

Với đặc thù là tỉnh có 2 tuyến biên giới trên bộ và đất liền, có hải đảo, đồng bằng, miền núi, nên trong quá trình đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung, giao thông nói riêng, bao giờ tỉnh Quảng Ninh cũng tính toán kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng thế trận phòng thủ, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng, miền.

Đến nay, hệ thống giao thông Quảng Ninh đã được thảm nhựa, bê tông hóa đến 100% trung tâm các xã, các thôn, bản. Đường giao thông liên thôn, khu ở tất cả các địa phương trên địa bàn đều đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

img

Tuyến đường nối Quốc lộ 279 với Tỉnh lộ 342 từ TP Hạ Long lên huyện Ba Chẽ và sang tỉnh Lạng Sơn đang được khẩn trương hoàn thành

Cùng với các chính sách, chương trình dự án khác, việc đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ đã tạo động lực quan trọng để Quảng Ninh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng hiệu quả hơn.

Điển hình là giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, bình quân 9,2%/năm; trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022), Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 2 con số, GRDP bình quân đầu người tăng từ 6.700 USD (năm 2020) lên 8.200 USD (năm 2022), cao nhất so với các tỉnh phía Bắc.

img

Do giao thông được đầu tư thuận lợi đến các thôn, bản, bà con dân tộc ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh đang tập trung phát triển hiệu quả kinh tế nông - lâm nghiệp

Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2022 đạt trên 420.000 tỷ đồng; thu nội địa đạt gần 290 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 12,2%/năm, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng, đứng thứ 7 cả nước và gấp 2,35 lần năm 2015.

Hết năm 2022, Quảng Ninh cơ bản không còn hộ nghèo, về đích trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ xóa nghèo theo chuẩn nghèo mới của tỉnh, cao hơn mức của cả nước.

Cùng với đó, nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn luôn được củng cố vững chắc, tất cả các tình huồng phát sinh liên quan đều được xử lý dứt điểm, kịp thời, không để xảy ra bị động, bất ngờ trước các tình huống.

img

Giao thông thuận lợi phục vụ đắc lực cho lực lượng chuyên trách tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc trên các tuyến biên giới của Quảng Ninh

Một lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết: Việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ của tỉnh đã tạo ra được những bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hợp tác đối ngoại, củng cố vững chắc tiềm lực quốc phòng - an ninh ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.