Dù được triển khai từ năm 1989, phân lô, bán nền cho hàng trăm hộ dân nhưng đến nay, dự án khu dân cư 10/10 tại phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) vẫn như một “ốc đảo” giữa đô thị. Người dân nơi đây hàng chục năm qua phải sống trong cảnh “4 không”: Không điện, không nước sạch sinh hoạt, không đường, không công trình thoát nước.
Khung cảnh nhếch nhác, tạm bợ tại dự án khu dân cư 10/10 kéo dài hàng chục năm
Sống giữa thành phố mà như… hoang đảo
Đứng ở bờ đường nhựa đấu nối từ QL18A vào cụm công nghiệp Cẩm Thị mới được thi công, anh Đặng Minh Mạnh, cán bộ địa chính phường Cẩm Phú chỉ vào những bụi cỏ mọc um tùm, xung quanh ngập đầy nước như một “ốc đảo”, khái quát: “Theo hồ sơ thiết kế, khu vực này là vườn hoa tiểu cảnh; cạnh đó là khu dân cư… Vậy mà hàng chục năm nay chỉ toàn cỏ mọc um tùm”.
“Thời gian trước, thấy khu vực này hoang vắng, một số người đã chở vật liệu, rác thải ra đổ trộm khiến nơi này không khác gì bãi rác”, anh Mạnh nhận xét.
Theo quan sát của PV, toàn vùng dự án khu dân cư 10/10 rộng gần 20ha với hàng trăm lô đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng cả khu vực rộng mênh mông chỉ vỏn vẹn hơn 20 nóc nhà, người dân sống trong cảnh không điện, không nước sạch sinh hoạt, không đường, không công trình thoát nước.
Lội qua đám nước bùn đen đặc sệt ngăn cách khu dân cư 10/10 với tuyến đường bê nhựa vào Cụm công nghiệp Cẩm Phú, chúng tôi vào thăm gia đình anh Nguyễn Xuân Mạnh (tổ 84, khu 7A, phường Cẩm Phú).
Anh Mạnh kể: “Sau khi bỏ 6 triệu đồng (số tiền khá lớn vào thời điểm năm 2003 - PV) để mua lô đất, nhà tôi được cấp GCNQSDĐ trên diện tích 81m2 từ năm 2003. Đợi mãi không thấy hạ tầng hoàn thiện, năm 2020, do bức xúc về nhu cầu chỗ ở, vợ chồng tôi đành phải làm nhà tại đây”.
“Cả khu vực không có đường điện, hệ thống nước sạch nên gia đình tôi phải tốn hơn 40 triệu đồng để lắp đường điện, đường nước nhờ từ khu dân cư bên cạnh. Do cả khu vực không có đường giao thông, hệ thống thoát nước nên mỗi khi mưa xuống, nước dâng cao khiến nhà tôi bị nước vây kín cả tuần”, anh Mạnh than.
Chủ đầu tư thờ ơ, bỏ mặc người dân
Dù hàng trăm hộ bỏ tiền mua đất nhưng hiện mới chỉ hơn 20 hộ “tìm được đất” để làm nhà và sinh hoạt trong cảnh “4 không”
Được biết, dự án khu dân cư 10/10 được được UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý cho Mỏ than Cọc Sáu (nay là Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin) chấp thuận địa điểm đầu tư từ năm 1989, tổ chức đổ đất lấn biển, tạo mặt bằng từ năm 1991, phê duyệt quy hoạch, đầu tư hạ tầng từ năm 1994 để xây dựng nhà ở cho công nhân Mỏ than Cọc Sáu. Đến nay dự án đã kéo dài 30 năm.
Đến thời điểm hiện tại, cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh đã cấp GCNQSDĐ cho 402 lô đất, tương ứng 37.206m2. Số lô đất chưa được cấp GCNQSDĐ là 260 lô, tương ứng 24.064m2. Tuy vậy, suốt hơn 30 năm qua, dự án mới dừng lại ở việc san nền, các hạng mục khác như hạ tầng giao thông, điện, nước, công trình thoát nước chưa đầu tư.
Khi chưa hoàn thiện hạ tầng mà đã phân lô, bán nền cho dân là vi phạm quy định của pháp luật và trách nhiệm này thuộc về Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin. Qua rất nhiều cuộc làm việc với cơ quan chức năng của tỉnh và DN, UBND thành phố đã chỉ rõ phần trách nhiệm này. Nếu Công ty CP Than Cọc Sáu vướng mắc thì phải báo cáo TKV tháo gỡ; nếu TKV khó khăn thì phải xin ý kiến Chính phủ để tháo gỡ chứ không thể đẩy trách nhiệm này cho địa phương.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả
Có “sổ đỏ” hàng chục năm nhưng không thể xây nhà vì dự án không có hạ tầng, hàng chục hộ dân nơi đây đã gửi đơn kiến nghị khắp nơi.
Năm 2017, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị Công ty CP Than Cọc Sáu hoàn thiện cơ sở hạ tầng để bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định đối với phần diện tích 402 lô đất đã cấp cho CBCNV của mỏ.
Tháng 3/2019, UBND TP Cẩm Phả đã làm việc với Công ty CP Than Cọc Sáu để xác định rõ ranh giới: Phần đất công ty đã cấp cho CBCNV (402 lô đất) khoảng 12,02ha thì công ty phải có trách nhiệm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; phần đất bàn giao về thành phố quản lý (260 lô đất, khoảng 7,97ha) thì UBND TP Cẩm Phả sẽ có trách nhiệm hoàn thiện hạ tầng.
Tuy nhiên, mặc dù phương án này đã báo cáo và được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận, địa phương đã lập quy hoạch, xây dựng giá đất để đấu giá nhưng đến nay Công ty CP Than Cọc Sáu và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn chưa lập hồ sơ bàn giao đất cho UBND TP Cẩm Phả quản lý.
Với khu đất Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin đã giao cho CBCNV (12,02ha), UBND TP Cẩm Phả nhiều lần có văn bản đôn đốc DN hoàn thiện nốt hạ tầng kỹ thuật dự án theo ranh giới đã phân định nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Mạc Văn Đức, Trưởng Phòng Đầu tư - Môi trường, Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin cho biết, năm 2006, chủ đầu tư Mỏ than Cọc Sáu chuyển sang Công ty cổ phần và hiện DN không có chức năng kinh doanh bất động sản và không được phép kinh doanh đầu tư ngoài ngành trái với hướng dẫn của Chính phủ và của TKV.
Mặt khác, nếu có được phép thì công ty cũng không có vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nếu tiếp tục thực hiện đầu tư hạ tầng theo thiết kế được phê duyệt năm 1994 vừa không đáp ứng được nhu cầu sử dụng vừa không đảm bảo kết nối hạ tầng với diện tích đất còn lại của dự án…
“Mới đây, ngày 11/5/2021, liên ngành của tỉnh Quảng Ninh đã họp, thống nhất một số nội dung báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể: Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin bàn giao cho UBND TP Cẩm Phả đầu tư toàn bộ hạ tầng của dự án theo quy hoạch chi tiết điều chỉnh, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành đảm bảo kết nối hạ tầng đồng bộ hạ tầng toàn bộ dự án; Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin phối hợp với UBND TP Cẩm Phả xác định các hạng mục chưa thực hiện, đã tính trong phương án đấu giá thu tiền của người dân, thuê đơn vị tư vấn căn cứ hồ sơ thiết kế, dự toán được phê duyệt năm 1994, xác định giá trị theo đơn giá, cơ chế, chính sách tại thời điểm hiện tại để làm cơ sở tính toán chi phí bàn giao lại cho thành phố tiếp tục đầu tư toàn bộ hạ tầng của dự án theo quy hoạch chi tiết điều chỉnh. Hiện nay, doanh nghiệp đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và TKV theo hướng này để thực hiện các phần việc tiếp theo”, ông Mạc Văn Đức nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận