Mặt đê xói lở nham nhở
Tuyến đê cửa sông ở phường Trưng Vương, TP Uông Bí dài hơn chục cây số có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho hàng trăm hộ dân ở xã Điền Công (nay đã sáp nhập vào phường Trưng Vương) cùng hàng trăm ha hoa màu, đầm nuôi thủy sản.
Tuy nhiên, tuyến đê này được đầu tư từ lâu, nay đã xuống cấp, nhiều đoạn đã bị mưa, lũ xói lở nham nhở, khiến cho mặt đê bị thu hẹp, nếu khi có tình huống khẩn cấp thì khó có thể cơ động được phương tiện ứng cứu kịp thời.
Trung tuần tháng 7, PV Báo Giao thông đã có buổi thực tế trên tuyến đê này và thấy được nỗi lo lắng, bất an của hàng trăm hộ dân nơi đây hoàn toàn có cơ sở.
Qua quan sát, nhiều đoạn xung yếu của con đê này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đáng lo nhất là một số đoạn đã bị bào mòn, chân đê trơ đá, cây cối mọc um tùm.
Cùng với đó, tuyến đê có 7 cống thoát nước nhưng cũng xuống cấp, mỗi khi gặp triều cường dẫn đến rất khó tiêu, thoát nước.
Đáng ngạc nhiên hơn, trên tuyến đê lại có không ít công trình được người dân xây dựng xâm lấn trực tiếp vào thân đê...
Ông Phạm Văn Giáp đứng trên triền đê chỉ vào vùng nuôi trồng thủy sản, canh tác nông nghiệp của gia đình, cho biết, gia đình ông đấu thầu 70ha đầm nuôi thủy sản ở khu vực này từ hàng chục năm nay. Để ổn định thu nhập, ông Giáp đã đầu hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống bờ bao, làm công trình trông coi.
"Trận lụt năm 2005, nước tràn qua mặt đê khiến nhiều hộ ở đây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Với thực trạng biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay, nếu tuyến đê này vỡ thì tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân ở đây sẽ khó đảm bảo được.
Bà con đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, đầu tư, nâng cấp, thế nhưng chỉ thấy nhiều đoàn về kiểm tra rồi đi. Còn thân đê thì vẫn mong manh trước sóng cả, triều cường bấy lâu nay", ông Giáp nói.
Có một điều đáng quan ngại nữa là hiện nay, phía trong tuyến đê Điền Công, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đang thi công tuyến đường ven sông từ TX Đông Triều qua TP Uông Bí nối với cao tốc Hạ Long – Hải Phòng ở TX Quảng Yên.
Nếu như tuyến đê này bị uy hiếp trong mùa mưa, bão năm nay thì rất nhiều phương tiện, nhân lực của nhà thầu đang thi công sẽ khó tránh khỏi bị tổn thất.
"Ban đầu, khi đến đây thi công, chúng tôi không để ý lắm. Nhưng sau mấy trận mưa lớn, nhìn nước lũ cùng với triều cường ngấp nghé mặt đê và thấy bà con địa phương lo lắng, chúng tôi cũng bất an cho thiết bị, công nhân của mình, nếu có sự cố", một chỉ huy đơn vị nhà thầu đang thi công tại đây cho biết.
Cần sớm đầu tư, nâng cấp
Qua tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tuyến đê Điền Công dài 11,5km, là "lá chắn" bảo vệ an toàn cho hàng trăm hộ dân và trên 1.100ha đất canh tác nông nghiệp, đầm, ao nuôi trồng thuỷ sản của 3 khu là Điền Công 1, Điền Công 2 và Điền Công 3 ở phường Trưng Vương, TP Uông Bí.
Tuyến đê Điền Công được gia cố, đắp thêm vào những năm 1992, 1993, chủ yếu đắp thủ công với đất sét pha cát mịn.
Thực tế, tuyến đê nằm ngay cửa sông Bạch Đằng, hàng năm bị ảnh hưởng rất lớn của triều cường, dòng chảy mạnh nên bị bào mòn, sụt lún, dẫn đến nguy cơ dễ bị vỡ đê mỗi khi đến mùa mưa bão.
Theo nhiều cao niên tại Điền Công cho biết, trận bão lịch sử năm 1955, mưa lớn, gặp triều cường khiến tuyến đê bị vỡ, nước dâng tràn ngập cả làng, thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân.
Đến năm 2005, con đê này lại một lần nữa bị nước uy hiếp, làm thiệt hại rất nhiều tài sản của người dân xã Điền Công lúc bấy giờ. Rất may, trận lụt không gây ra thiệt hại về người.
Cũng qua tìm hiểu của PV Báo Giao thông, sau trận lụt năm 2005, cơ quan chức năng địa phương đã có vài lần đầu tư cải tạo, sửa chữa một số điểm xung yếu cho tuyến đê.
Cách đây vài năm, cơ quan chức năng đã đầu tư kiên cố được 2,4km. Tuy nhiên, do các lần sửa chữa cũng chỉ đắp chủ yếu bằng đất pha cát. Vì thế, qua mùa mưa, bão hằng năm đã khiến tuyến đê bị xói mòn.
Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông, lãnh đạo một đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, đê Điền Công là đê cấp 4, pha sông biển, thuộc nhiệm vụ quản lý, đầu tư của UBND TP Uông Bí. Vấn đề bà con kiến nghị nâng cấp để đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản đã có từ nhiều năm nay là chính đáng.
"Đây là tuyến đê đắp chủ yếu bằng đất pha cát, nên đã vị bào mòn theo năm tháng. Chính vì vậy, UBND TP Uông Bí cần xem xét, cân đối nguồn lực để sớm đầu tư nâng cấp toàn tuyến thì mới đảm bảo an toàn được", vị lãnh đạo đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND TP Uông Bí thừa nhận đê Điền Công đã xuống cấp, nguy hiểm và cho biết thêm, hiện chính quyền đang phối hợp để xem xét đầu tư, nâng cấp tuyến đê này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận