Thời sự

Quốc hội dành 10 ngày bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao

14/06/2016, 14:32

Sáng 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 49 cho ý kiến về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ nhất...

15

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, ngày 21/7, sau khi Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ và điều khiển các phiên họp tiếp theo.

Tiếp đến, ngày 25/7, Chủ tịch Quốc hội trình bày Tờ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Chủ tịch nước sẽ tiến hành tuyên thệ khi nhậm chức.

Ngày 26/7, Chủ tịch nước trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiến hành tuyên thệ vào ngày 27/7. Cùng ngày, Chủ tịch nước trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao.

Ngày 28/7, Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Nội dung này sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận và quyết định vào ngày hôm sau (29/7).

Góp ý về nghi thức khi các vị lãnh đạo cấp cao tuyên thệ khi nhậm chức, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII: “Người trúng cử các chức danh lãnh đạo cấp cao khi tiến hành nghi thức tuyên thệ cần có sự thống nhất. Theo tôi, về nguyên tắc, khi cờ Tổ quốc đã xuất hiện thì tất cả đều phải đứng lên, vì đó là thời khắc rất thiêng liêng”.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, thông lệ của các kỳ họp đầu tiên trong mỗi khóa Quốc hội là chỉ làm công tác nhân sự. Do vậy, cần tập trung làm công tác nhân sự trước khi tiến hành các nội dung khác tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIV.

Về một số báo cáo gửi ĐBQH tự nghiên cứu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, bên cạnh một số nội dung cần báo cáo theo thông lệ (như công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công), đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo (gửi ĐBQH tự nghiên cứu) về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển sau hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, cùng một số nội dung quan trọng khác, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.