Đúng 9h ngày 20/10, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc theo hình thức trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Phiên khai mạc được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Sau khi làm lễ chào cờ, các vị đại biểu Quốc hội mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh do dịch Covid-19.
Quốc hội mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh do dịch Covid-19
Kinh tế bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn.
Nền kinh tế toàn cầu hồi phục nhưng đang chậm lại và có sự phân hóa rõ rệt giữa các quốc gia, khu vực, chủ yếu do khác biệt mức độ và quy mô bao phủ vắc xin. Đồng thời, sự đứt gãy của các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài hơn so với dự báo, sức ép lạm phát và rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ở trong nước, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư với biến chủng mới, lây lan rất nhanh và nguy hiểm hơn, diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó kiểm soát đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.
Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay, dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 2,5% - 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đã đề ra (khoảng 6%).
“Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán thiếu ổn định, có thời điểm tăng nóng, nợ xấu ngân hàng tăng. Một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp ở TP.HCM và các địa bàn kinh tế trọng điểm”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Quốc hội đánh giá cao sự điều hành quyết liệt của Chính phủ
Theo Chủ tịch Quốc hội, trước những thách thức và chồng chất khó khăn, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, chủ động, linh hoạt của Quốc hội.
Sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân và sự hỗ trợ của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước.
Người đứng đầu cơ quan lập pháp của đất nước cho biết, một số chỉ tiêu KT-XH tuy không đạt so với kế hoạch đề ra, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định. Nông nghiệp tăng trưởng khá và vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế và ổn định xã hội. Xuất khẩu hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo; an sinh, phúc lợi xã hội được chú trọng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
“Chúng ta dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khôi phục, phát triển KT-XH. Quốc hội biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Trân trọng cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch quốc hội cũng bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống đại dịch Covid-19.
“Qua gian nan, thử thách, truyền thống đoàn kết, yêu nước, thương nòi, khí phách anh hùng, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, đất nước ta lại càng phát huy cao độ hơn bao giờ hết”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết, Quốc hội chia sẻ sâu sắc với những tổn thất, mất mát nặng nề về người và của, những khó khăn mà nhân dân ta đã phải gánh chịu.
Xem xét thông qua nhiều dự án luật
Thông tin về nội dung của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 5 dự án luật.
Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; công tác phòng, chống dịch Covid-19; xem xét, quyết định Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025,…
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian phù hợp tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước, các báo cáo của Chính phủ về: Công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021; xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020,…
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội tham gia đầy đủ các phiên họp toàn thể của Quốc hội, các cuộc họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của các Tổ và Đoàn đại biểu Quốc hội, để nghiên cứu kỹ lưỡng, phản ánh khách quan, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng.
Người đứng đầu Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm, thời sự mà cử tri cả nước quan tâm và biểu quyết, quyết định các vấn đề rất quan trọng thuộc nội dung chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, góp phần làm nên thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận