Ngày 21/2, UBND TP Cần Thơ vừa có tờ trình gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề xuất Dự án Phát triển mạng lưới Giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu - Dự án 1, với 2 hợp phần dự án. Đó là nâng cấp, mở rộng QL61C, đoạn qua địa phận Cần Thơ và đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng của tỉnh Kiên Giang.
Theo UBND TP Cần Thơ, việc đề xuất 2 hợp phần dự án trên là cần thiết để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng cường liên kết vùng, giữa các địa phương trong vùng tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng.
QL61C, đoạn qua địa phận TP Cần Thơ.
Giao thông kết nối giữa TP Cần Thơ và Hậu Giang chủ yếu thông qua 2 tuyến QL61 và 61C, nhưng QL61 quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông hiện tại và tương lai.
Còn QL61C được UBND TP Cần Thơ quy hoạch với quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe. Nhưng do khó khăn về vốn nên mới đầu tư giai đoạn 1 với quy mô nhỏ hơn. Đến nay, sau 10 năm khai thác, tuyến QL này đã bị lún khoảng 50cm.
Do đây là tuyến đường ngắn nhất nối Cần Thơ và TP Vị Thanh (Hậu Giang) nên hầu hết người dân chọn đây là tuyến di chuyển, mật độ người tham gia giao thông đông, dẫn đến tình trạng mặt đường nhanh hư hỏng, nguy cơ mất ATGT.
Ngoài ra, việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, tăng chuỗi giá trị, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, kết nối giao thông liên vùng. Do đó, việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường này, theo UBND TP Cần Thơ là hết sức cần thiết.
QL61C đoạn qua địa phận tỉnh Hậu Giang.
Về hợp phần dự án đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, UBND TP Cần Thơ cho biết, hiện kết nối giữa 2 địa phương này thông qua các tuyến QL61, QL61C, QL91 và QL80. Những tuyến QL này có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông và phát triển của vùng.
Tuyến đường kết nối mới khi hình thành sẽ kết nối trực tiếp QL91 và QL61, tăng cường kết nối Đông - Tây ĐBSCL, đồng thời kết nối các khu vực của tỉnh Kiên Giang với sân bay quốc tế Cần Thơ.
UBND TP Cần Thơ đánh giá, 2 hợp phần dự án trên phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của TP tầm nhìn đến năm 2030; phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TP.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 6.433 tỷ đồng. Trong đó, dự án cải tạo, mở rộng QL61C đoạn qua địa phận Cần Thơ có mức đầu tư dự kiến là 1.683 tỷ đồng.
Cần Thơ dự kiến, cơ cấu nguồn vốn ODA vay từ Chính phủ Nhật Bản cho 2 dự án là 4.378 tỷ đồng, phần còn lại hơn 2.000 tỷ đồng là từ ngân sách TP và nguồn vốn hợp pháp khác.
QL 61C có điểm đầu tại nút giao giữa QL1 với đường dẫn cầu Cần Thơ, điểm cuối giao với QL61, tổng chiều dài tuyến hơn 47km, rộng 11,5m. QL61C đi qua quận Cái Răng, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ, dài hơn 10km), huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy và TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) hơn 37km.
QL61C có vốn đầu tư giai đoạn đầu gần 3.400 tỷ đồng, thông xe tháng 5/2012. Năm 2022, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã đề xuất dự án mở rộng, nâng cấp QL61C địa phận qua tỉnh này với tổng mức đầu tư 3.888 tỷ đồng cũng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận