Thị trường

Quy định hàng “Made in Vietnam”: Còn chần chừ, doanh nghiệp làm gì cũng sai

17/07/2019, 06:33

Đến nay chưa ai thấy “mặt mũi” của những quy định về việc hàng hóa thế nào thì được coi là “sản xuất tại Việt Nam”.

img
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc ghi nhãn của Asanzo vi phạm cả hai nội dung là “chính xác và trung thực”. Ảnh: Viettime

Ngay sau vụ Khaisilk, từ năm 2018 Bộ Công thương đã bắt tay xây dựng một bộ quy định về việc hàng hóa thế nào thì được coi là “sản xuất tại Việt Nam” để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước. Tuy nhiên đến nay chưa ai thấy “mặt mũi” của những quy định này ra sao.

Asanzo: Vi phạm hai nội dung “chính xác và trung thực”

“Phải cấp bách, làm nhanh, không thể chần chừ vì còn chần chừ, chậm trễ, không thể chờ đợi được nữa”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico đưa ra quan điểm khi trao đổi với PV Báo Giao thông về việc phải có một bộ quy định thế nào là hàng hóa được “sản xuất tại Việt Nam”. Bởi lẽ, trong khi các quy định đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu đều khá đầy đủ và rõ ràng thì quy định cho hàng tiêu thụ nội địa lại không được như vậy.

Theo ông Đức, việc xây dựng quy định “sản xuất tại Việt Nam” không chỉ vì người tiêu dùng trong nước mà còn vì các doanh nghiệp. “Nếu chậm thì dẫn tới hậu quả là doanh nghiệp làm kiểu gì cũng sai. Người tiêu dùng và cơ quan quản lý thấy cái gì cũng không hợp lý”, luật sư Đức nói.

Dẫn lại trường hợp Asanzo làm ví dụ, ông Đức cho biết: “Ông Tam (ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Asanzo - PV) nói trước đó ông ghi xuất xứ Việt Nam sai thì giờ ghi lại là sản xuất tại Việt Nam. Nhưng bản chất cả hai nhãn là một nên ông ấy vẫn sai. Xuất xứ doanh nghiệp ghi nhưng phải đảm bảo chính xác, trung thực, đảm bảo tuân thủ các hiệp định. Ông Tam vi phạm hai nội dung là chính xác và trung thực”.

Tuy nhiên, luật sư Đức cho rằng, sản phẩm nhập nhằng nguồn gốc của ông Tam không thể ghi là xuất xứ Trung Quốc vì quy định của họ không cho phép. Có chăng ông Tam chỉ có thể ghi là “lắp ráp tại Việt Nam” trong bối cảnh quy định của Việt Nam còn chưa đầy đủ, chặt chẽ và còn nhiều sơ hở.

Tiêu chí nào?

Ông Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công thương đang đề xuất văn bản quy định thế nào là hàng hóa của Việt Nam và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Văn bản sẽ được ban hành cấp thông tư do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành.


Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa của Chính phủ có quy định về nhãn hàng hóa. Theo đó, các sản phẩm lưu thông trên thị trường Việt Nam đều phải dán nhãn. Trên đó có tên người sản xuất, người lưu thông phân phối... Nghị định này cũng quy định các doanh nghiệp, các thương nhân lưu thông phân phối có trách nhiệm tự xác định thông tin đưa lên nhãn hàng hóa đó. Tuy nhiên, Nghị định này chỉ quy định về nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu nhưng chưa quy định tiêu chí để xác định loại hàng hóa được ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam”.

Lật lại các quy định, luật sư Trương Thanh Đức cho biết, thực ra trước đây Việt Nam đã có quy định về vấn đề này. Cụ thể, trong Luật Thương mại trước đây đã quy định hàng sản xuất tại Việt Nam, hàng chế tạo giai đoạn cuối cùng cơ bản tại Việt Nam thì được gọi là hàng Việt Nam, được gắn mác “made in Vietnam”. Tiếp đó, Luật Quản lý ngoại thương cũng có quy định hàng nhập và hàng trong nước đều phải ghi rõ xuất xứ.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ cấp xuất xứ hàng hóa để xuất khẩu từ năm 1963. Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại VCCI cho biết: Phương pháp phổ biến nhất thường dùng xác định xuất xứ hàng hoá là dựa trên tiêu chí “tỷ lệ phần trăm giá trị”.

Dẫn lại quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương và Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 3/4/2018 của Bộ Công thương quy định về xuất xứ hàng hóa đối với “hàng hóa có xuất xứ không thuần túy”, bà Hương cho biết, hàng có “tỷ lệ phần trăm giá trị” từ 30% trở lên thì được coi là có xuất xứ Việt Nam. Bên cạnh đó, có thể dựa trên tiêu chí “chuyển đổi mã số hàng hóa”, tức là sự thay đổi về mã HS (mã số phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu). Trường hợp này có thể hiểu là một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ Việt Nam nếu thành phẩm được phân loại ở cấp khác với nguyên liệu để sản xuất ra nó.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho biết, có hai mặt hàng đã có quy định rõ ràng dựa trên cơ sở tỷ lệ nội địa hóa là ô tô và xe máy. Do đó, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể “ốp” tiêu chí của hai mặt hàng này để quy định xuất xứ. Hoặc các nước tiên tiến đều quy định rất rõ nên Việt Nam có thể học các nước này. Hoặc, Bộ Công thương có thể tập hợp lại những quy định đang áp dụng đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu, sau đó “chỉnh” dần cho phù hợp với hàng sản xuất trong nước. “Trên cơ sở tính trung thực, chính xác và tính tuân thủ, Bộ có thể “nhặt” ra rồi hướng dẫn doanh nghiệp cho dễ thực hiện”, luật sư gợi ý.

Trước sự thận trọng kéo dài của cơ quan quản lý nhà nước, ông Đức cho rằng các quy định bước đầu có thể chưa được chuẩn chỉ 100% nhưng không thể không hướng dẫn bởi “chậm một ngày là chết một ngày”. “Ví dụ như hàng ông Tam ghi xuất xứ Trung Quốc không được, ghi Việt Nam cũng không được. Nếu ghi tạm là lắp ráp tại Việt Nam thì định nghĩa đó không phải xuất xứ”, luật sư Đức dẫn chứng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.