Tối đa 150 triệu đồng/người/vụ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 67 quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Trong đó, nghị định quy định mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với mô tô 2 bánh từ 50cc trở lên là 60.000 đồng, xe ô tô không kinh doanh vận tải dưới 6 chỗ là 437.000 đồng, từ 6-11 chỗ là 794.000 đồng...
Theo quy định, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn.
Đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự gây ra là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Nếu do xe ô tô; máy kéo; rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo gây ra là 100 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với người thứ ba do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách trên chiếc xe đó do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.
Nghị định quy định rõ một số trường hợp mà doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm.
Chẳng hạn như hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại.
Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng đã thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Người lái xe không đủ điều kiện về độ tuổi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Hoặc trong trường hợp người lái xe không có giấy phép lái xe (GPLX) hoặc sử dụng GPLX không hợp lệ theo quy định của pháp luật, GPLX bị tẩy xóa hoặc sử dụng GPLX hết hạn sử dụng, sử dụng GPLX không phù hợp đối với loại xe đang điều khiển...
Để được bồi thường, cần làm gì?
Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Bên cạnh đó, phải tuân thủ theo nguyên tắc khi tai nạn xảy ra, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải có trách nhiệm thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm vào đường dây nóng để phối hợp giải quyết, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn.
Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Chủ động thu thập và cung cấp các tài liệu quy định trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm thuộc trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm quy định tại Điều 13 Nghị định này.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu do mình cung cấp.
Mức bồi thường cụ thể về sức khỏe, tính mạng được xác định theo từng loại thương tật, thiệt hại theo bảng quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng theo quy định.
Trường hợp nhiều xe cơ giới gây tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, mức bồi thường được xác định theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới nhưng tổng mức bồi thường không vượt quá giới hạn trách nhiệm bảo hiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận