Sáng 7/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia và cho biết, Cổng Dịch vụ công quốc gia khai trương ngày 9/12/2019.
Cuộc họp báo còn có sự tham dự của đại điện lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn VNPT; các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)...
Đem tiện ích tốt nhất phục vụ người dân, doanh nghiệp
Theo ông Mai Tiến Dũng, cổng dịch vụ công sẽ chính thức vận hành từ ngày 9/12/2019, cung cấp trước hết 8 loại dịch vụ được lựa chọn, triển khai trên toàn quốc.
Cụ thể, có 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố gồm: Đổi giấy phép lái xe; Thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; Dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); Dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và Tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.
Có 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ gồm: Cấp giấy phép lái xe quốc tế; Đăng ký khuyến mãi; Nhóm dịch vụ về Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 cung cấp thêm một số dịch vụ công, ví dụ tại TP Hồ Chí Minh là Đăng ký hộ kinh doanh và Đăng ký thuế; tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là Đăng ký khai sinh… cũng được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan cũng thông tin, trong Quý I/2020, Văn phòng Chính phủ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ.
Ông Phan lý giải, những dịch vụ được lựa chọn tích hợp lên cổng có số lượng hồ sơ phát sinh lớn, thiết yếu với người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở lựa chọn, các dịch vụ công đó được tái cấu trúc, cải tiến quy trình và nâng cấp, tăng tính năng hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp thực hiện thuận tiện hơn so với việc thực hiện dịch vụ công tại thời điểm hiện tại.
Ông Phan dẫn chứng, theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), trong năm 2018, có 965.000 hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe cần thực hiện, thêm 7.000 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép lái xe quốc tế. Cũng trong năm này, Bộ Công thương cần giải quyết trên 2 triệu bộ hồ sơ đăng ký khuyến mại. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải xử lý 2,6 triệu hồ sơ cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế mỗi năm. Điện lực Việt Nam phải giải quyết yêu cầu cấp điện cho 1,2 triệu khách hàng mới (cả nhu cầu cấp điện hạ áp của người dân và điện trung áp của doanh nghiệp). Riêng thủ tục đăng ký khai sinh, các cơ quan cũng phải giải quyết lượng hồ sơ tương đương 4.800 trẻ được sinh ra mỗi ngày…
Tiết kiệm ngân sách hơn 4.000 tỷ đồng
Cổng Dịch vụ công quốc gia được vận hành trên hệ thống công nghệ Vnconect do Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) phát triển theo yêu cầu Thủ tướng Chính phủ giao.
Chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập được đến tất cả các Cổng Dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.
Đồng thời, với vai trò đầu mối kết nối với các Cổng Dịch vụ công, cơ sở dữ liệu, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn nhiều do có thể tái sử dụng các thông tin đã có và tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan.
Theo tính toán chi phí xã hội thực hiện 8 nhóm dịch vụ công, giả định với số lượng giao dịch như năm 2018,việc chuyểntừ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm, trong đó, tính riêng chi phí tiết kiệm được do thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia mang lại khoảng 1.736 tỷ đồng. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cổng Dịch vụ công quốc gia với các nền tảng, dữ liệu dùng chung cũng sẽ giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải tại các bộ, ngành, địa phương và giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, tăng trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính.
Cổng Dịch vụ công quốc gia hướng tới việc số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng hàng năm của Liên hiệp quốc.
Tại cuộc họp báo, vấn đề an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, giải pháp đảm bảo vận hành hệ thống được báo giới đặt ra với lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng đoàn chuyên gia Pháp Hever La Bars (đơn vị tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng hệ thống) cho biết: “Đánh giá cả nhóm chuyên gia, lựa chọn công nghệ dựa trên nền tảng hệ thống Vnconect mà VNPT phát triển là một lựa chọn tốt vì đây là một trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier3, đảm bảo khả năng xử lý dữ liệu lớn”.
Thực tế, VNPT hiện đang quản lý thông suốt mạng lưới 30 triệu người dùng với hệ thống này. Với kinh nghiệm quản lý hệ thống của VNPT cộng với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ: Thông tin và truyền thông: Công an; Quốc phòng…khi triển khai hệ Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ đảm bảo tính an toàn, bảo mật cao đối với người dân, doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận