Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Chiều 31/7, Cục Đăng kiểm VN tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến Thông tư số 16/2023 sửa đổi bổ sung một số điều của các thông tư quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa (PTTNĐ).
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) cho biết, Thông tư 16/2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8 tới đây sẽ hướng đến 3 mục tiêu chính gồm: đơn giản hoá thủ tục đăng kiểm PTTNĐ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền từ Cục Đăng kiểm VN về các đơn vị đăng kiểm nhằm tách bạch hoá việc quản lý nhà nước và thực hiện dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Chia sẻ thêm tại hội nghị, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục ĐKVN cho biết, so với năm 2015, phương tiện thủy nội địa thay đổi rất nhiều. Nếu như trước đây, phương tiện trọng tải 1.000 - 1.500 tấn đã rất lớn, hiện nay, tại một số sông ở Đồng bằng sông Cửu Long như sông Tiền, sông Hậu, trọng tải của phương tiện đã đạt đến trên 5.000 tấn. Có phương tiện chiều dài hơn 100m. Ở các vùng ven biển, thậm chí đã có phương tiện trọng tải 2 vạn tấn hoạt động.
Đáng chú ý, theo ông Hải, trước đây, Việt Nam hầu như không có PTTNĐ nhập khẩu mà phần lớn được chế tạo trong nước. Khi Việt Nam nhập khẩu các phương tiện nước ngoài đã nảy sinh nhiều vướng mắc khi thực hiện theo Thông tư 48 cũ.
"Nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về đăng kiểm PTTNĐ tại Thông tư 16 đã đáp ứng được các nhu cầu hoạt động kiểm định phương tiện này trong thực tế. Khi áp dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chung của ngành công nghiệp đóng, chế tạo, khai thác PTTNĐ ở nước ta", ông Hải nhấn mạnh.
Bỏ yêu cầu về thẩm định hồ sơ thiết kế
Một trong những điểm mới tại Thông tư 16 theo ông Đậu Ngọc Bình, Phó trưởng phòng Tàu sông - Cục Đăng kiểm Việt Nam là việc bổ sung loại hình mô tô nước. Thông tư quy định rõ mô tô nước là phương tiện thủy được sử dụng cho mục đích thể thao, vui chơi giải trí, có chiều dài thân nhỏ hơn 4m, sử dụng động cơ đẩy kiểu bơm phụt nước…
"Theo quy định mới, không cần phải có thiết kế lập hồ sơ trình cơ quan đăng kiểm thẩm định đối với loại phương tiện này mà chỉ cần kiểm tra thực tế phương tiện theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia. Thay vào đó, hồ sơ đăng kiểm mô tô nước phải có thêm tài liệu hướng dẫn vận hành", ông Bình cho hay.
Theo ông Đậu Ngọc Bình, Phó trưởng phòng Tàu sông - Cục ĐKVN, thông tư mới quy định rõ: Các phương tiện nhập khẩu đã được cơ quan đăng kiểm nước ngoài kiểm tra, cấp giấy chứng nhận sẽ được giảm bớt yêu cầu về hồ sơ thiết kế.
Đối với sản phẩm công nghiệp nhập khẩu, thông tư mới cũng bỏ yêu cầu về thẩm định hồ sơ thiết kế, chỉ cần tổ chức, cá nhân cung cấp báo cáo thử nghiệm sản phẩm công nghiệp do nước ngoài cấp để làm căn cứ kiểm tra trước khi cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp.
"Thực tế khi nhập khẩu, các sản phẩm công nghiệp không có hồ sơ thiết kế vì liên quan đến vấn đề bảo mật công nghệ của nước ngoài", lãnh đạo Phòng Tàu sông lý giải.
Để có căn cứ giảm bớt một số yêu cầu về thủ tục kiểm tra phương tiện nhập khẩu, thông tư cũng làm rõ các hiệp hội, tổ chức được đăng kiểm thừa nhận bao gồm: Tổ chức đăng kiểm nước ngoài là thành viên của Hiệp hội Các tổ chức phân cấp quốc tế (IACS) hoặc tổ chức chứng nhận được các quốc gia có tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến thừa nhận (các quốc gia là thành viên của G7, EU, các quốc gia UK, Úc, Newzealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga).
Đặc biệt, Thông tư 16 cũng quy định không yêu cầu phải trình bản gốc hồ sơ thiết kế được thẩm định đối với tất cả các trường hợp kiểm tra chu kỳ phương tiện, chỉ cần nộp bản sao chứng thực hợp đồng mua bán trong trường hợp chuyển chủ.
Trường hợp phương tiện đóng theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, cùng một cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa và cùng đơn vị giám sát (hay còn gọi là phương tiện đóng theo loạt), không phải thẩm định hồ sơ thiết kế, chỉ cần nộp bản sao hồ sơ thiết kế đã được thẩm định.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Vũ Hải cho biết, quy định này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đóng phương tiện với số lượng lớn cùng một mẫu thiết kế có thể tiết kiệm chi phí, đồng thời, tiết kiệm thời gian, nhân lực thẩm định thiết kế cũng như giám sát thi công từng mẫu cho đơn vị đăng kiểm.
Một điểm mới khác của thông tư, đó là quy định sản phẩm công nghiệp đã được Cục Đăng kiểm VN kiểm tra và cấp giấy chứng nhận sử dụng cho tàu biển thì được sử dụng cho phương tiện thủy nội địa. Tương tự, sản phẩm công nghiệp được Cục Đăng kiểm VN hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài công nhận kiểu loại để sử dụng cho tàu biển cũng được dùng cho phương tiện thủy.
Tách bạch hoá việc quản lý nhà nước và thực hiện dịch vụ công
Tại Thông tư 16, Bộ GTVT cũng đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính từ Cục Đăng kiểm Việt Nam về đơn vị đăng kiểm. Quy định này nhằm tách bạch hoá việc quản lý nhà nước và thực hiện dịch vụ công.
Theo đó, ngoài Cục Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm cũng có trách nhiệm thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế và tài liệu hướng dẫn của tàu; thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện nhập khẩu.
Về lý do Cục Đăng kiểm vẫn đảm nhận hoạt động này, ông Bình cho biết do tại một số chi cục, năng lực của đăng kiểm viên vẫn chưa đáp ứng được; đồng thời, thêm nguồn nhân lực từ Cục sẽ góp phần giảm ách tắc trong hoạt động thẩm định hồ sơ thiết kế cho các doanh nghiệp.
Về thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng kiểm (phương tiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa, đang khai thác), sau khi kết thúc kiểm định hiện trường và đạt chất lượng, đơn vị đăng kiểm cấp chứng nhận đăng kiểm trong thời hạn 1 ngày (với hiện trường kiểm tra cách trụ sở đăng kiểm dưới 70km) và 2 ngày (nếu cách xa quá 70km).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận