Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGTVT do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang ký nêu rõ Thông tư quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa.
Thông tư hợp nhất quy định rõ trách nhiệm của chủ tàu, thuyền viên, người lái và định biên an toàn phương tiện thủy nội địa. Ảnh: minh họa
Thông tư hợp nhất có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, áp dụng đối với chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trách nhiệm, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa; Không áp dụng đối với phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, Thông tư dành một chương riêng quy định về định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa.
Cụ thể, với phương tiện chở khách, số lượng thuyền viên tối thiểu trong một ca làm việc được quy định: Phương tiện nhóm I phải có 5 người gồm 1 thuyền trưởng, 1 máy trưởng, 2 thủy thủ, 1 thợ máy; Nhóm II phải có 4 người gồm 1 thuyền trưởng, 1 máy trưởng, 1 thủy thủ, 1 thợ máy; Nhóm III phải có 3 người gồm 1 thuyền trưởng, 1 máy trưởng, 1 thủy thủ.
Với phương tiện chở hàng, số lượng thuyền viên tối thiểu trong một ca làm việc được quy định: Phương tiện nhóm I phải có 3 người gồm 1 thuyền trưởng, 1 máy trưởng, 1 thủy thủ hoặc 1 thợ máy; Nhóm II phải có 3 người gồm 1 thuyền trưởng, 1 máy trưởng, 1 thủy thủ hoặc 1 thợ máy; Nhóm III phải có 2 người gồm 1 thuyền trưởng, 1 máy trưởng.
Với phà, số lượng thuyền viên tối thiểu trong một ca làm việc được quy định: Phương tiện nhóm I phải có 6 người gồm 1 thuyền trưởng, 1 máy trưởng, 4 thủy thủ; Nhóm II phải có 5 người gồm 1 thuyền trưởng, 1 máy trưởng, 3 thủy thủ; Nhóm III phải có 3 người gồm 1 thuyền trưởng, 1 máy trưởng, 1 thủy thủ.
Theo Thông tư 39/2019, Nhóm I gồm phương tiện chở khách, phương tiện lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi, phương tiện cánh ngầm, phương tiện cao tốc có sức chở trên 100 khách; Phà có sức chở trên 100 khách và trên 350 tấn hàng hóa; Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần trên 1000 tấn; Đoàn lai có trọng tải toàn phần trên 1500 tấn; Phương tiện không thuộc các loại trên lắp máy trong có tổng công suất máy chính trên 1000 sức ngựa hoặc phương tiện lắp máy ngoài có tổng công suất máy chính trên 3000 sức ngựa.
Nhóm II gồm phương tiện chở khách, phương tiện lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi, phương tiện cánh ngầm, phương tiện cao tốc có sức chở trên 50 khách đến 100 khách; Phà có sức chở trên 50 khách đến 100 khách và trên 250 đến 350 tấn hàng hóa; Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần trên 500 tấn đến 1000 tấn; Đoàn lai có trọng tải toàn phần trên 800 tấn đến 1500 tấn; Phương tiện không thuộc các loại trên, lắp máy trong có tổng công suất máy chính trên 250 sức ngựa đến 1000 sức ngựa hoặc phương tiện lắp máy ngoài có tổng công suất máy chính trên 1000 sức ngựa đến 3000 sức ngựa.
Nhóm III gồm phương tiện chở khách, phương tiện lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi, phương tiện cánh ngầm, phương tiện cao tốc có sức chở trên 12 khách đến 50 khách; Phà có sức chở đến 50 khách và đến 250 tấn hàng hóa; Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần trên 15 tấn đến 500 tấn; Đoàn lai có trọng tải toàn phần đến 800 tấn; Phương tiện không thuộc các loại trên, lắp máy trong có tổng công suất máy chính trên 100 sức ngựa đến 250 sức ngựa hoặc phương tiện lắp máy ngoài có tổng công suất máy chính đến 1000 sức ngựa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận