Lưu trữ hợp đồng, danh sách hành khách tối thiểu 3 năm
Tại Nghị định 41/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 10/2020 quy định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, có hiệu lực từ ngày 1/6 tới, đã sửa đổi quy định liên quan đến quản lý hợp đồng vận chuyển của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Nếu như Nghị định 10/2020 quy định doanh nghiệp vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển về Sở GTVT nơi đăng ký kinh doanh hoặc phần mềm của Bộ GTVT (từ ngày 1/1/2022) thì Nghị định 41/2024 giờ đây chỉ còn quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng lưu trữ hợp đồng vận chuyển kèm danh sách hành khách tối thiểu 3 năm.
Đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch bằng xe ô tô, Nghị định 41/2024 cho phép được vận chuyển hành khách theo hợp đồng, đồng thời, thực hiện lưu trữ hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành, kèm theo danh sách hành khách tối thiểu 3 năm.
Theo các chuyên gia, sở dĩ có sự thay đổi trên bởi thực tế, theo phản ánh từ các Sở GTVT, với quy định các xe vận tải hợp đồng, trước khi thực hiện chuyến đi, doanh nghiệp phải gửi email hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách về Sở GTVT nhưng số lượng nhân sự tại các Sở không đáp ứng được dẫn đến hạn chế trong việc rà soát theo phương thức thủ công.
Ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty công nghệ An Vui cũng cho rằng, nếu thực hiện việc gửi hợp đồng vào email của Sở GTVT như hiện nay, không khác nào "dùng cung tên bắn máy bay", bởi hầu hết cán bộ ở các sở không đủ sức để kiểm tra tất cả email. Chỉ trong thời gian ngắn, email rất có thể đầy và không nhận thêm được nữa.
Do đó, quy định gửi hợp đồng, danh sách hành khách về các Sở GTVT không còn khả thi; trong khi đó, hiện, Cục Đường bộ VN cũng chưa xây dựng xong phần mềm tiếp nhận, quản lý hợp đồng vận chuyển của các xe vận tải trên toàn quốc.
"Với quy định mới tại Nghị định 41/2023, doanh nghiệp vận tải có trách nhiệm lưu trữ hợp đồng, danh sách hành khách và xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện trên đường cũng như phục vụ quá trình cơ quan quản lý thực hiện kiểm tra, thanh tra tại đơn vị", một chuyên gia giao thông nhìn nhận.
Ngoài nội dung trên, các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng ở Nghị định 10/2020 vẫn được giữ nguyên. Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết.
Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.
Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.
Siết quy định quản lý lái xe, phương tiện trong doanh nghiệp
Theo Nghị định 41/2024 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng cũng sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh (GPKD) nếu không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của cơ quan có thẩm quyền.
Hoặc trong thời gian 1 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu.
Nghị định 41/2024 cũng bổ sung quy định thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện.
Cụ thể, khi cơ quan cấp phù hiệu, biển hiệu ban hành quyết định thu hồi, trong thời hạn 10 ngày, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu, đồng thời dừng hoạt động kinh doanh vận tải đối với xe bị thu hồi.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại phù hiệu, biển hiệu theo đúng quyết định thu hồi, Sở GTVT chỉ cấp lại, cấp mới phù hiệu, biển hiệu sau thời gian 30 ngày (hoặc 60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục).
Trường hợp quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi mà đơn vị kinh doanh vận tải không nộp, Sở GTVT chỉ cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu sau thời gian 45 ngày (hoặc 90 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp đủ phù hiệu, biển hiệu theo quyết định thu hồi.
Trường hợp, đơn vị vận tải lấy lý do bị mất phù hiệu, biển hiệu trong quyết định thu hồi và muốn xin cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu, trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở GTVT không thực hiện cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu.
Quy định trên nhằm nâng cao hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải, tránh tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải lấy lý do, chây ì, không nộp lại phù hiệu, biển hiệu mà vẫn sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải trái quy định. Từ đó, tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu phương tiện.
Đồng thời, tăng trách nhiệm trong quản lý lái xe, phương tiện đảm bảo không vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vận tải, vi phạm luật giao thông đường bộ vì có thể dẫn đến bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu, khó khăn trong việc cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu; thậm chí có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận