Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, cảng biển là một trong những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư trong công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng của Ninh Thuận.
Trong đó, quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Ninh Thuận gồm khu bến Cà Ná và khu bến Ninh Chữ là cảng tổng hợp quốc gia, đóng vai trò đầu mối khu vực với chức năng bến cảng tổng hợp, hàng rời, hàng container, hàng lỏng/khí.
Việc phát triển hệ thống cảng biển Ninh Thuận sẽ định hướng phát triển theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đáng chú ý, khu bến Cà Ná được quy hoạch để tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời, hàng container, hàng lỏng/khí trọng tải lên đến 100.000 DWT và lớn hơn khi đủ điều kiện.
Ngoài ra, quy hoạch khu bến Ninh Chữ gồm các bến tổng hợp, bến khách, hàng lỏng tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 10.000 tấn.
Với định hướng quy hoạch phát triển tập trung vào cảng nước sâu Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận cũng ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng liên quan.
Cụ thể, trong phương án phát triển mạng lưới giao thông, phát triển tuyến đường sắt nối từ cảng tổng hợp Cà Ná đến ga Cà Ná nhằm phát triển vận tải đa phương thức trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2021-2030 sẽ xây dựng trung tâm điện lực (sử dụng nguồn nguyên liệu LNG) với quy mô công suất 1.500MW tại khu vực cảng Cà Ná.
Đồng thời, mạng lưới đường tỉnh sẽ phát triển 7 tuyến đường tỉnh mới và 2 tuyến đường kết nối từ cảng Cà Ná đến khu vực Nam Tây Nguyên và kết nối huyện Ninh Sơn với huyện Đức Trọng - Lâm Đồng nhằm tăng cường kết nối các khu vực trong tỉnh và kết nối liên vùng.
Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển các trung tâm logistics, nhất là trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh và khu vực cảng Ninh Chữ, để cung cấp đồng bộ các dịch vụ hậu cần phân phối tại các địa điểm thuận lợi về giao thông, các đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm thương mại, khu vực các cơ sở chế biến công nghiệp quy mô lớn.
Theo định hướng, sẽ xây dựng mới hai trung tâm logistics là Trung tâm logistic Cà Ná và Trung tâm logistics Ninh Chữ.
Ninh Thuận cũng định hướng phát triển cảng cạn Cà Ná để cung cấp các dịch vụ cảng cạn phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại các khu công nghiệp của tỉnh ở phía Nam, phân phối hàng hóa nhập khẩu cho khu vực và vùng lân cận, với năng lực thông qua 150.000-200.000 Teu/năm.
Việc phát trieeenr cảng cạn theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài cảng cạn Cà Ná, tỉnh này còn quy hoạch phát triển cảng cạn Lợi Hải.
Trong đó, cảng cạn Lợi Hải cung cấp các dịch vụ cảng cạn phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại các khu công nghiệp của tỉnh ở phía Bắc, phân phối hàng hóa nhập khẩu cho khu vực và vùng lân cận, với năng lực thông qua 50.000-70.000 Teu/năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận