Thị trường

Quy hoạch điện VIII phê duyệt có giải cứu được các dự án điện tái tạo?

18/05/2023, 13:03

Quy hoạch điện VIII được phê duyêt, cả nhà đầu tư, giới chuyên môn đều mong chờ giải được bài toán giá điện cho dự án điện tái tạo đắp chiếu.

Quy hoạch VIII sẽ giải quyết các khó khăn về giá, chính sách

Thực tế, điểm mới ở quy hoạch lần này so với trước đây là ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo (điện tái tạo - điện gió, mặt trời) chiếm khoảng 31-39% vào 2030, tương đương 5.000-10.000 MW. Do đó, giải pháp cho những dự án trên là cần thiết, bởi nếu không, nhà đầu tư sẽ nản lòng, mục tiêu của Quy hoạch điện VIII khó thực hiện được.

img

Các dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp đang thực hiện cơ chế đàm phán giá với EVN

Đánh giá về Quy hoạch điện VIII "nóng hổi" vừa được phê duyệt, TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và phát triển xanh nhận định: Đây là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án nguồn điện, đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của kinh tế và xã hội, giải bài toán cơ cấu về nguồn điện, kết hợp điện tái tạo với nguồn truyền thống như điện than, điện khí...

Đồng thời, quy hoạch là căn cứ pháp lý để triển khai loạt dự án đầu tư mở rộng dự án truyền tải điện, cơ sở pháp lý quan trọng để Tập đoàn Điện lực VN (EVN) giải quyết các khó khăn về giá, chính sách liên quan điện tái tạo.

Đặc biệt, giải quyết công suất các dự án điện gió, mặt trời đang gặp khó và phát triển điện mặt trời mái nhà, hướng đến mục tiêu đến 2030, 50% mái nhà công sở, hộ gia đình trên cả nước sẽ được phủ kín bằng các tấm pin mặt trời, đáp ứng nhu cầu điện tự dùng.

Yêu cầu Bộ Công thương hướng dẫn đàm phán

Để tránh lãng phí nguồn lực xã hội, tại thông báo số 182/TB-VPCP phát đi ngày 17/5 về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp liên quan đến "đàm phán giá bán điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng xong, chưa được vận hành", lãnh đạo Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo "nóng".

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư 15 (ngày 3/10/2022), Quyết định 21 (ngày 7/1/2023) trong thời gian chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá, đàm phán giá và có văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính và đàm phán giá điện đối với điện gió, mặt trời.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, có 31/85 dự án đã làm việc với Công ty Mua bán điện của tập đoàn. Trong đó, 15 dự án đã thống nhất hoàn thiện hồ sơ và đang thỏa thuận giá, 11 dự án chưa gửi đầy đủ hồ sơ và cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp lý dự án; và 5 dự án mới gửi hồ sơ, đang xem xét.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương phải chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành.

Đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Công thương khẩn trương có văn bản trước ngày 20/5/2023, chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện.

“Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo.

Đối với dự án chưa đủ điều kiện vận hành, còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, Bộ Công thương và các địa phương nơi có dự án điện chuyển tiếp, phải khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục hồ sơ theo quy định.

Còn đối với các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng đã hết kỳ quy hoạch, Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp và địa phương nơi có dự án thực hiện đúng quy định của pháp luật về quy hoạch (Nghị quyết số 61 (ngày 16/6/2022 của Quốc hội và các quy định có liên quan khác).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được Chính phủ yêu cầu, khẩn trương có văn bản trước ngày 25/5/2023 hướng dẫn các UBND các tỉnh, thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án chuyển tiếp có thời gian thực hiện quá 24 tháng so với thời hạn được quy định tại Giấy chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu theo đúng quy định.

Hiện có 85 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch - dự án chuyển tiếp.

Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời, với tổng công suất lần lượt là hơn 1.638MW và hơn 452MWac) tổng công suất gần 2.091MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.

Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây. Ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.