Thị trường

Phát triển nguồn điện tái tạo vượt 480%

11/05/2023, 07:30

Đó là thông tin được đề cập trong báo cáo về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 của Chính phủ gửi Quốc hội.

Điện mặt trời phát triển quá nhanh

Báo cáo nêu rõ: Tổng công suất đặt nguồn điện năm 2019 là 56 GW và tăng lên trên 69,3 GW năm 2020 nhờ sự phát triển nhanh của các nhà máy điện mặt trời, bao gồm điện mặt trời áp mái.

Tốc độ này góp phần đưa tỷ lệ xây dựng nguồn điện đạt 132% so với tổng công suất đặt giai đoạn 2016-2020 của Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Tuy nhiên, cơ cấu xây dựng nguồn điện lại khác biệt. Cụ thể, trong khi các nguồn điện tái tạo (NLTT) vượt mức 480%, thì các nguồn nhiệt điện chỉ đạt gần 60%.

img

Nguồn điện tái tạo tăng dần từ mức không đáng kể (khoảng 0,3%) năm 2016 lên tới gần 27% vào năm 2021

Nguyên nhân là do nguồn nhiệt điện tại miền Bắc chậm tiến độ hơn 3 GW và ở miền Nam hơn 3,6 GW, trong khi, nguồn điện mặt trời lại vượt gần 14 GW.

Báo cáo cũng chỉ ra, cơ cấu nguồn đã có sự chuyển dịch đáng kể từ các nguồn năng lượng xám sang năng lượng sạch; tỷ lệ các nhà máy nhiệt điện than giảm dần từ 34% năm 2016, xuống còn khoảng 32,51% năm 2021, trong khi NLTT tăng dần từ mức không đáng kể (khoảng 0,3%) năm 2016 lên tới gần 27% vào năm 2021.

Trong các năm 2019, 2020 và 2021 sản lượng điện phát từ nguồn điện gió, mặt trời đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh, 10,994 tỷ kWh và 29 tỷ kWh, góp phần giảm điện chạy dầu giá cao (năm 2019 giảm khoảng 2,17 tỷ kWh, năm 2019 và năm 2020 giảm 4,2 tỷ kWh, tiết kiệm khoảng 10.850-21.000 tỷ đồng cho việc sử dụng dầu để phát điện).

Việc phát triển nhanh NLTT cũng gây nên nhiều thách thức cho hệ thống điện.

Đó là, chi phí để chuyển dịch năng lượng lớn, gây áp lực lên giá điện; hệ thống lưới điện của EVN chưa đáp ứng độ linh hoạt khi tích hợp các nguồn NLTT vào hệ thống; giá bán lẻ điện bình quân tại Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trên thế giới, chưa có cơ chế linh hoạt về giá bán lẻ...

Đồng thời, việc tích hợp mức độ cao NLTT biến thiên không chỉ gây khó khăn trong quá trình vận hành mà còn là thách thức về quản lý…

Xử lý rác thải từ pin mặt trời ra sao?

Chính phủ đánh giá, rác thải từ tấm pin mặt trời cũng đáng được lưu ý. Việt Nam có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ cao, nhiều nơi nhiệt độ ngoài trời lúc nắng cao điểm có thể lên đến 40-50 độ C.

Khi đó, các tấm kính của Pin mặt trời hấp thụ nhiệt có thể lên đến 60 độ, có thể gây ảnh hưởng đến lớp nhựa dán bên trong tấm pin hoặc xảy ra hiện tượng cong vênh kính và khung của tấm pin, làm giảm tuổi thọ và hiệu suất của tấm pin.

Đặc biệt, khi nhiệt độ không khí đang cao, bất chợt gặp mưa, nguy cơ cong vênh biến dạng tấm pin sẽ gia tăng…

Vì thế, dự thảo quy hoạch năng lượng quốc gia và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của quy hoạch năng lượng quốc gia đã xác định cần thiết xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn chất lượng tấm pin mặt trời.

Việc này để đảm bảo chất lượng và tuổi thọ pin như cam kết của nhà cấp hàng, đồng thời giảm lượng chất thải rắn từ các tấm pin mặt trời do hư hỏng.

Bên cạnh đó, ban hành các quy định về thu hồi, quản lý các tấm pin mặt trời thải bỏ, trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc quản lý và xử lý các tấm pin mặt trời thải bỏ này.

img

Điện mặt trời phát triển bùng nổ dưới dạng trang trại để hưởng giá cao

Ngoài ra, nghiên cứu các công nghệ và giải pháp thu hồi, xử lý và tái chế các tấm pin mặt trời hỏng trong thời gian tới để có thể ứng phó trong cuối kỳ quy hoạch khi lượng chất thải từ pin mặt trời gia tăng với số lượng lớn. Trong tương lai, vào cuối kỳ quy hoạch khi số lượng loại chất thải này tăng lên có thể thí điểm xử lý.

Chính phủ khẳng định, việc quản lý, xử lý đối với các tấm quang năng thải bỏ, hỏng hóc sẽ theo thứ tự ưu tiên từ tái sử dụng, bảo dưỡng đến tận dụng linh kiện, tái chế, cuối cùng mới tới chôn lấp theo quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.