Bộ GTVT vừa trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch đường bộ giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN về những điểm mới trong quy hoạch này.
Ông Nguyễn Xuân Cường
Chưa đạt mục tiêu 2.000km đường cao tốc
Ông nhìn nhận như thế nào về những việc làm được, chưa làm được trong quy hoạch đường bộ vừa qua?
Kể từ khi chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt đến nay, nhiều hạn chế, yếu kém của hạ tầng đường bộ đã được giải quyết.
Trong 10 năm qua, nhiều dự án quan trọng đã được đầu tư và đưa vào khai thác như mở rộng QL1; đưa vào khai thác 1.163km cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Nội Bài - Lào Cai, TP TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - cầu Bạch Đằng, Tân Vũ - Lạch Huyện.
Nhiều tuyến quốc lộ trọng yếu, cầu lớn, hầm lớn, cảng biển được đầu tư, nâng cấp như cảng cửa ngõ Hải Phòng; cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, Thịnh Long, Hưng Hà; hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân; cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Từ năm 2016 đến nay, TNGT giảm liên tiếp trên cả 3 tiêu chí về số vụ, người chết và người bị thương. Giai đoạn năm 2016 - 2020, cả nước xảy ra hơn 94.000 vụ TNGT, làm gần 40.000 người chết, hơn 77.000 người bị thương.
So với giai đoạn từ năm 2011 -2015, giảm hơn 70.000 vụ, giảm hơn 90.000 người bị thương, số người chết giảm hơn 9.300 người.
Tuy nhiên, trong thực hiện quy hoạch, mạng lưới đường bộ phân bố chưa đồng đều, mật độ đường bộ cao tốc còn chênh lệch lớn giữa các vùng, miền, một số tuyến cao tốc có quy mô phân kỳ đầu tư chưa đáp ứng tiêu chuẩn; một số đoạn tuyến quốc lộ không đáp ứng tiêu chí. Kết cấu hạ tầng đầu tư chậm so với quy hoạch, đặc biệt là các tuyến cao tốc động lực.
Mục tiêu đặt ra là hoàn thành 2.000km đường bộ cao tốc vào năm 2020 nhưng cuối cùng không đạt được, theo ông nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân là do điều kiện nguồn lực ngân sách còn hạn chế, trong khi đó việc huy động nguồn lực xã hội hóa chưa nhiều.
Ngoài ra, cơ chế chính sách còn vướng mắc, bất cập, đặc biệt là các quy định liên quan đến phân cấp đầu tư. Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhất là cơ chế chia sẻ rủi ro, nguồn vốn tín dụng dài hạn chưa được thực hiện.
Bên cạnh đó, quy định về đất đai, sử dụng tài sản công như: Nhượng quyền khai thác các công trình giao thông và việc chuyển các doanh nghiệp đầu tư, quản lý hạ tầng sang Ủy ban quản lý vốn Nhà nước còn nhiều vướng mắc.
Cách nào hiện thực hóa 5.000km cao tốc?
Vậy, định hướng phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2030 được đặt ra trong quy hoạch lần này như thế nào, thưa ông?
Văn kiện Đại hội XIII đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Trong đó, tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, nhất là về giao thông.
Điểm nổi bật nhất của quy hoạch mới lần này là tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc. Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Thực hiện thành công quy hoạch mới lần này sẽ phát triển mạng lưới giao thông đường bộ từng bước đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông. Hình thành hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Ông Nguyễn Xuân Cường
Trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, dự báo sẽ còn khó khăn về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, quy hoạch xác định ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án như hoàn thiện đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau và tuyến đường Hồ Chí Minh, coi đây là các dự án tạo ra đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Trong quy hoạch lần này, chính sách huy động nguồn lực được xác định thế nào?
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và giao thông đường bộ nói riêng từ trước đến nay chủ yếu bằng nguồn ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là rất lớn, trong khi nguồn ngân sách Nhà nước rất hạn hẹp.
Một trong các giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu nêu trên là hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh hợp tác công - tư nhằm huy động nguồn lực xã hội.
Bộ GTVT sẽ kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, ưu tiên đầu tư PPP, chỉ đầu tư công các dự án không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách.
Tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư PPP và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, công khai.
Cùng đó, sẽ khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng thông qua hình thức nhượng quyền khai thác; các địa phương nghiên cứu, triển khai cơ chế thu từ khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường bộ.
Huy động, phân bổ nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối giữa các phương thức, có tính cân đối giữa các vùng miền.
Bộ GTVT cũng rà soát, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp lý, đề xuất thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù để huy động mọi nguồn lực và rút ngắn tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc; đánh giá, nhân rộng các mô hình về thu hút đầu tư PPP thành công ở Trung ương và địa phương.
Đồng thời, xây dựng cơ chế thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, qua đó tạo thêm nguồn lực cho ngân sách mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng để tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc khác.
Ưu tiên kết nối các phương thức vận tải
Điểm nổi bật nhất của quy hoạch lần này là tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Trong ảnh: Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45). Ảnh: Tạ Hải
Đường bộ được xem là phương thức linh hoạt để kết nối các phương thức vận tải. Như ông nói ở trên việc kết nối còn nhiều bất cập, thị phần vận tải đường bộ chiếm tỷ lệ cao. Quy hoạch sẽ giải quyết vấn đề này thế nào?
Kết quả thực hiện quy hoạch cũng chỉ ra hiện còn thiếu tính liên kết giữa đường bộ với các phương thức vận tải khác, hạ tầng phục vụ logistics, chưa gắn kết đồng bộ với quy hoạch phát triển không gian đô thị và nông thôn, khu chức năng của địa phương.
Việc dự báo nhu cầu vận tải còn nhiều hạn chế, kết quả dự báo chưa chính xác, một số mục tiêu đặt ra với kỳ vọng quá cao so với khả năng cân đối nguồn lực.
Nhiều công trình động lực chưa được đầu tư, đặc biệt là các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, các trung tâm kinh tế với các cảng biển cửa ngõ và sân bay quốc tế, vành đai đô thị Hà Nội và TP HCM.
Chưa chú trọng kết nối giữa các phương thức vận tải để phát huy vận tải đa phương thức.
Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, tới đây cần đầu tư hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, đường chuyên dùng bảo đảm kết nối hiệu quả các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa khẩu chính, đầu mối giao thông quan trọng với các cảng biển, ga đường sắt, cảng thủy nội địa.
Việc kết nối các phương thức vận tải được tính toán, xây dựng trên nguyên tắc vận tải đường bộ có tính linh hoạt cao, chiếm ưu thế trong vận chuyển cự ly ngắn nên là phương thức chủ động trong việc kết nối tới các phương thức vận tải khác.
Đường thủy nội địa, đường sắt đóng vai trò hỗ trợ đường bộ trong việc thu gom và giải tỏa hàng hóa tại các đầu mối vận tải.
Cảng biển và cảng hàng không có những yêu cầu đặc biệt về vị trí, quy mô nên sẽ là phương thức thụ động trong kết nối, được ưu tiên xác định vị trí và yêu cầu đối với các phương thức còn lại.
Những mục tiêu cụ thể được đưa ra trong quy hoạch lần này là gì, thưa ông?
Đến năm 2030, Bộ GTVT phấn đấu khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng hơn 2.763 triệu tấn, chiếm thị phần hơn 62%; hành khách đạt khoảng 9.430 triệu lượt khách, chiếm thị phần khoảng hơn 90%.
Khối lượng luân chuyển nội địa về hàng hóa đạt hơn 162 tỷ tấn.km, chiếm thị phần khoảng hơn 30%; hành khách đạt khoảng hơn 283 tỷ lượt khách.km, chiếm thị phần khoảng gần 73%.
Về hạ tầng, cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế chính, các đô thị loại đặc biệt, loại I.
Kết nối thuận lợi các tuyến quốc lộ đến các cảng biển loại II, sân bay quốc tế, cảng đường thủy nội địa lớn, ga đường sắt đầu mối, đầu mối giao thông đô thị loại II trở xuống.
Phấn đấu đưa vào khai thác trên 5.000km đường bộ cao tốc; tập trung nâng cấp mặt đường, tăng cường hệ thống ATGT, xử lý các điểm đen, cải tạo nâng cấp các cầu yếu, một số tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối tới các đầu mối vận tải lớn chưa có tuyến cao tốc song hành; thông toàn tuyến đường bộ ven biển khoảng hơn 3.044km.
Tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hoàn thiện mạng lưới đường bộ đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sự kết nối, phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Nâng cao chất lượng và dịch vụ vận tải, bảo đảm thuận tiện, an toàn, chi phí hợp lý.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận