Hàng hải

Quy hoạch lại hệ thống cảng biển Hải Phòng 10 năm tới

29/06/2021, 12:42

Các bến cảng nằm sâu trong nội đô TP Hải Phòng sẽ từng bước được di dời ra gần cửa biển để đón tàu lớn.

img

Trong tương lai gần, cảng biển Hải Phòng sẽ mang một diện mạo mới với nhiều lợi thế kết nối hơn (Ảnh minh họa)

Đồng thời nhiều dự án giao thông kết nối sẽ được đầu tư thêm, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Bến manh mún, bất cập kết nối

Khu vực cảng biển Hải Phòng hiện có 46 bến cảng bốc xếp hàng hóa với tổng chiều dài cầu cảng khoảng 12,6km. Hai năm qua, dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng sản lượng hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng vẫn tăng trưởng tốt.

5 tháng đầu năm 2021, hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng tăng 17%, riêng hàng container tăng đến 22% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải (CVHH) Hải Phòng, do yếu tố lịch sử để lại, một số lượng lớn các bến cảng chủ yếu nằm sâu trong sông và trong nội thành. Ngoài các bến tại khu Đình Vũ, Lạch Huyện được đầu tư hiện đại, nhiều bến cảng vẫn nhỏ lẻ, manh mún, tập trung bên bờ trái sông Cấm.

Các bến cảng này thường đan xen khu dân cư, hệ thống kết nối giao thông hạn chế, không đồng bộ gây lãng phí tài nguyên đất và phát sinh ùn tắc giao thông sau cảng, ùn tắc hàng hóa tại cảng vào thời gian cao điểm.

“Vị trí nằm sâu trong nội thành cũng làm khả năng kết nối đa phương thức của cảng biển bị hạn chế. Đặc biệt, khu vực chỉ có tuyến đường sắt kết nối vào cảng Hải Phòng để đưa hàng và rút hàng từ các cảng dọc bờ sông Cấm (Vật Cách, Hoàng Diệu, Chùa Vẽ), do giao cắt với đường bộ và đi qua trung tâm thành phố, diện tích ga nằm trong nội thành quá nhỏ, không có khả năng mở rộng nâng cấp kho bãi nên tuyến đường sắt hoạt động không hiệu quả, chỉ đảm nhận được hơn 1,2% lượng hàng đến và đi từ cảng”, ông Vũ nói.

Từng bước di dời các bến cảng từ năm 2025

Thống kê của Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy (TediPort) cho biết, theo thống kê, năm 2020, khu vực Đình Vũ, Nam Đình Vũ đạt gần 41 triệu tấn hàng thông qua, vượt 176 - 180%. Khu bến sông Cấm đạt hơn 37 triệu tấn, vượt 178% so với kịch bản lượng hàng dự báo đến năm 2020.

Theo đại diện Tedi Port, tình trạng vượt sản lượng khai thác tại các bến cảng khu vực sông Cấm và khu vực Đình Vũ là do cụm cảng Lạch Huyện mới chỉ có hai bến đi vào khai thác và mới đạt 60% công suất thiết kế.

Lượng hàng còn lại vẫn đang dồn về khu vực Đình Vũ, Nam Đình Vũ và sông Cấm. Bên cạnh đó, việc các cảng tích cực đầu tư trang thiết bị, cải tiến phương pháp khai thác cũng làm tăng sản lượng hàng hóa thông qua.

Ông Lê Tấn Đạt, Phó TGĐ Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB) cho biết, quá trình xây dựng quy hoạch cảng biển, CMB và các đơn vị tư vấn đã tham mưu cấp có thẩm quyền đến năm 2025 sẽ từng bước di dời các bến cảng khu vực sông Cấm theo quy hoạch của TP Hải Phòng. Trong đó, một lượng hàng hóa nhất định sẽ được chuyển dịch từ sông Cấm về Nam Đồ Sơn, sông Văn Úc.

“Dự báo từ năm 2020 - 2030, lượng hàng thông qua các cảng biển khu vực sông Cấm giảm từ 32 triệu tấn xuống 24 triệu tấn. Sản lượng hàng hóa thông qua khu vực Nam Đồ Sơn, Văn Úc sẽ đạt từ 4 - 5 triệu tấn vào năm 2025 và đạt khoảng 7 - 8 triệu tấn vào năm 2030. Như vậy, đến năm 2030, quy hoạch không gian cảng biển Hải Phòng sẽ gồm: Khu bến Lạch Huyện, khu bến Đình Vũ, Nam Đình Vũ, khu bến sông Cấm và khu bến Nam Đồ Sơn, Văn Úc (phía ngoài biển và trong sông), khu chuyển tải, khu neo…”, ông Đạt thông tin.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định khu bến sông Cấm sẽ không phát triển mở rộng, nghiên cứu từng bước di dời, chuyển đổi công năng với lộ trình phù hợp, hài hòa các bến cảng từ khu vực cầu Bạch Đằng đến khu vực Cầu Kiền, dành quỹ đất cho phát triển đô thị, công trình công cộng phù hợp với quy hoạch địa phương và quốc gia.

Thêm nhiều dự án giao thông kết nối

Theo ông Lê Tấn Đạt, trước nhu cầu phát triển và dịch chuyển của hệ thống cảng biển Hải Phòng, đơn vị tư vấn cũng đề xuất đến năm 2030, các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ kết nối như: đường gom, nút giao khác mức tại lối ra các bến cảng, kho bãi khu vực Đình Vũ, Cát Hải; Nghiên cứu thời điểm xây dựng cầu Tân Vũ 2 đáp ứng nhu cầu du lịch, dân sinh; Mở rộng tuyến đường sau cảng Lạch Huyện theo tiến trình đầu tư các bến cảng, khu công nghiệp, logistics sau cảng.

Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch tuyến đường bộ số 3 (kết nối giữa Cát Hải với tuyến giao thông chính trong thành phố) để nâng cao năng lực vận tải; Phân làn giao thông hợp lý các tuyến đường kết nối đến các bến cảng trong khu vực sông Cấm, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa ở giai đoạn các bến cảng tại khu vực này đang hoạt động.

“Riêng khu vực Nam Đồ Sơn, Văn Úc hiện có mạng lưới giao thông tương đối tốt, đáp ứng được nhu cầu dịch chuyển hàng hóa khi tuyến đường bộ ven biển qua địa phận TP Hải Phòng đã được đầu tư xây dựng, đoạn đường bộ kết nối lên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng sẵn có”, ông Đạt phân tích.

Nhìn nhận mạng lưới giao thông kết nối cảng biển Hải Phòng ở một giai đoạn xa hơn, theo đại diện TediPort, sau năm 2030, khi phía sau cảng Lạch Huyện phát triển các khu công nghiệp, logistics khoảng 2.000ha, dự kiến cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 3 nối với tuyến đường bộ ven biển và kết nối với khu Nam Đồ Sơn cũng sẽ được nghiên cứu đầu tư.

“Quy hoạch chuyên ngành cũng đã đưa ra phương án xây dựng đường sắt kết nối đi theo tuyến Hà Nội - Hải Phòng đến ga Đại Đồng sẽ chia thành hai nhánh: một nhánh đi về Đình Vũ (ga Nam Đình Vũ) xuống Lạch Huyện (ga Lạch Huyện); một nhánh ga Đồ Sơn kết nối từ Đại Đồng dọc theo tuyến đường ven biển về ga Đồ Sơn. Như vậy, trong tương lai không xa, việc vận chuyển hàng hóa tại các bến cảng ở khu vực Nam Đình Vũ, Lạch Huyện hay Nam Đồ Sơn sẽ thuận tiện hơn với sự góp mặt của đường sắt”, đại diện TediPort nói.

Quy hoạch khu Nam Đồ Sơn, Văn Úc là cảng cửa ngõ

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN, riêng khu bến Nam Đồ Sơn, Văn Úc có phạm vi gồm vùng đất, vùng nước sẽ được quy hoạch với chức năng là cảng cửa ngõ, kết hợp trung chuyển quốc tế, có bến kết hợp phục vụ quốc phòng, an ninh khi có yêu cầu.

Các bến cảng khu vực này được định hướng tiếp nhận cỡ tàu container trọng tải đến 18.000TEU; tàu tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí trọng tải đến 200.000DWT, tàu khách đến 225.000GT tại bến cảng Nam Đồ Sơn; đến 10.000DWT tại bến cảng sông Văn Úc.

Trước mắt xây dựng bến cảng phục vụ cụm công nghiệp tại khu vực, bến cảng Trung tâm điện khí theo quy hoạch ngành năng lượng và phục vụ di dời các bến cảng trên sông Cấm phù hợp với quy hoạch phát triển không gian đô thị và sử dụng đất của TP Hải Phòng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.