Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, địa phương tập trung phát triển các hạ tầng kỹ thuật đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cùng các cảng cạn để phát triển logistics.
Cụ thể, việc phát triển hạ tầng đường thủy phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tuyến đường thủy nội địa có tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì và tuyến Quảng Ninh - Ninh Bình.
Cùng đó, phát triển các cảng thủy nội địa gồm cụm cảng sông Kinh Thầy - Kinh Môn - sông Hàn (gồm 30 cảng), cụm cảng sông Thái Bình (gồm 4 cảng), cụm cảng sông Luộc (gồm cảng Ninh Giang).
Đối với đường thủy nội địa địa phương, sẽ phát triển 6 tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý.
Các cảng thủy nội địa khác sẽ tiến hành nâng cấp, cải tạo và đưa vào quản lý 17 cảng thủy nội địa hiện có vào hệ thống các đường thủy nội địa quốc gia, như: Cảng Vụ Hát Tường, cảng Hoàng Tùng, Hà Bình, cảng Nhà máy nhiệt điện Hải Dương, cảng Nguyễn Thị Mỵ, cảng Hải Hưng, cảng Hà Hải, cảng Xi măng Phúc Sơn, cảng Hòa Thuận, cảng Xi măng Vicem Hoàng Thạch, cảng Tiến Trung, cảng Xí nghiệp đá xi măng Vicem Hoàng Thạch, cảng thủy nội địa Trạm trung chuyển xi măng, cảng Công ty Cổ phần nhiệt điện Phả Lại, cảng Hòa Phát, cảng Sơn Thịnh và cảng Cao Cường.
Đáng chú ý, phát triển 12 cảng thủy nội địa mới trên các tuyến sông Trung ương, bao gồm: Cảng Nguyên Giáp (huyện Tứ Kỳ), cảng Vĩnh Lập (huyện Thanh Hà), cảng Cộng Hòa, cảng Thái Tân (huyện Nam Sách), cảng Kim Đính (huyện Kim Thành), cảng bến Tiên Kiều (huyện Cẩm Giàng), cảng Thất Hùng (thị xã Kinh Môn), cảng Đại Sơn (huyện Tứ Kỳ), cảng Tiên Động (huyện Thanh Miện), cảng Thăng Long và cảng Quang Thành (thị xã Kinh Môn), cảng kho xăng dầu (thị xã Kinh Môn) và các cảng khác. Các cảng được xây mới để đáp ứng cho tàu có trọng tải cỡ 1.000-2.000 tấn.
Quy hoạch lưu ý tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập và thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật. Ngoài dự kiến các cảng, bến xây dựng mới, theo nhu cầu thực tế, điều chỉnh, phát triển thêm các cảng, bến hàng hóa, hành khách phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan.
Địa phương cũng quy hoạch phát triển bến thủy nội địa trên các tuyến sông theo các cụm cảng, cụm bến thủy hàng hóa, hành khách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, thành phố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận