Xã hội

Quy hoạch tùy tiện điều chỉnh theo ý chủ đầu tư, cả xã hội phải gánh hệ lụy

27/05/2019, 12:56

Báo cáo giám sát Quốc hội chỉ ra tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư gây ra nhiều hệ lụy khó có thể khắc phục.

img
Báo cáo giám sát Quốc hội chỉ ra tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư gây ra nhiều hệ lụy về hạ tầng giao thông

Tùy tiện điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư

Sáng 27/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị (2013 - 2018).

Báo cáo cho biết, hiện cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ một đến 6 lần, có dự án tới 9 lần. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại... làm tăng mật độ dân số, gây hệ luỵ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

“Hiện tượng tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội, TP.HCM là dẫn chứng điển hình cho sự thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa quy hoạch xây dựng đô thị với hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt 9%, tỷ lệ đất bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị dưới 1%...”, ông Thanh cho biết.

Dẫn chứng dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội), ông Thanh cho rằng đây là trường hợp điển hình của việc điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích người dân.

Ngoài ra, tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng diễn biến phức tạp, như Đầm Bông, Đầm Sòi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được quy hoạch là đất cây xanh, nhưng thực tế lại mọc lên các khu dân cư. Nhiều dự án đô thị chậm tiến độ; một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, trì hoãn bằng cách xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để chờ đủ điều kiện mới thực hiện hoặc chờ chuyển nhượng dự án.

Phần lớn các dự án BT là chỉ định thầu

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, phần lớn dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) là chỉ định thầu. Việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là chưa phù hợp Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, số liệu tổng hợp từ 53 địa phương cho thấy một nửa số dự án BT được thanh toán bằng quỹ đất nhưng lại chưa rõ ràng trong phương pháp, thời điểm xác định giá trị quỹ đất. Thực tế này dẫn đến chênh lệch giá trị quỹ đất được sử dụng để thanh toán tại thời điểm tạm tính làm cơ sở đấu thầu dự án và khi có quyết định giao đất, cho thuê đất.

Việc quản lý quỹ đất của doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa còn hạn chế, có trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất tại một số vị trí đắc địa. Khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, còn có trường hợp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường.

Bên cạnh đó, quản lý, sử dụng đất quốc phòng vẫn xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng công trình trái phép, sử dụng đất sai mục đích như tại một số khu đất tại quận Hải An (Hải Phòng), thành phố Nha Trang (Khánh Hoà)...

Về vấn đề giá đất, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định, cơ bản phù hợp với giá đất trên thị trường, song lại vướng ở khâu xác định giá.

Giá đất xác định chưa phù hợp với giá thị trường gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước, dẫn đến khiếu nại của người có đất thu hồi.

Cần làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm

Trao đổi với PV Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội nhận định: “Phần lớn điều chỉnh quy hoạch được chỉ nhằm phục vụ lợi ích cho nhà đầu tư, gây thiệt hại đối với lợi ích cộng đồng xã hội. Chính điều này gây ra những bất cập, hệ lụy quá tải khiến Nhà nước, xã hội phải giải quyết hậu quả. Chẳng hạn anh cứ nhảy vào xây nhà cao tầng, tăng mật độ dân số nhưng không có trường học, không có giao thông…Trong trường hợp này, buộc lòng ngân sách lại phải bỏ tiền để giải quyết hậu quả”.

Trước những bất cập, đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật liên quan tới quy hoạch. Cùng đó, hàng năm Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các nội dung liên quan tới quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai ở đô thị.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị, để làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Giải pháp xử lý khắc phục cần được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2019.

Cũng theo ông Cường, pháp luật cũng đang bộc lộ kẽ hở để các đối tượng lợi dụng tìm cách điều chỉnh quy hoạch đô thị.

“Ở đây có yếu tố lợi dụng kẽ hở từ quy định định giá thị trường, điều tiết phần giá trị gia tăng khi quy hoạch thay đổi. Cụ thể, khi thay đổi quy hoạch làm tăng thêm giá trị cho các nhà đầu tư. Theo đúng tinh thần của luật, phần tăng thêm đó phải được điều tiết hết về cho Nhà nước. Do đó nếu chúng ta làm nghiêm, thu được toàn bộ giá trị gia tăng từ đất đai, thì chắc chắn không có chuyện tìm mọi cách tác động thay đổi quy hoạch để tìm nguồn lợi riêng”.

Để xảy ra tình trạng trên, ông Cường cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo địa phương. “Nếu thường xuyên kiểm tra giám sát quy hoạch đô thị, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm thì chắc chắn sẽ hạn chế tình trạng “cố ý thay đổi quy hoạch” như thời gian vừa qua”.

Tương tự, đại biểu Đinh Duy Vượt (Đồng Nai) nhấn mạnh tình trạng quy hoạch “chạy theo nhiệm kỳ” làm nát quy hoạch ban đầu.

“Tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết gây hệ lụy hiệu ứng rất tiêu cực về sau. Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng, lợi ích của người sử dụng như tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm mật độ cây xanh... Điều này đã và đang gây bức xúc dư luận, hệ lụy tổn thất kinh tế không nhỏ, thậm chí không thể khắc phục được như: ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường , cứ mưa là ngập...”, ông Vượt nói và nhấn mạnh: “Suy cho cùng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất làm nát quy hoạch, dẫn tới vốn đội vốn chậm tiến độ, lãng phí thất thu ngân sách, giảm hiêu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy khác trong cuộc sống”.

Qua đây, vị đại biểu Đồng Nai cũng chuyển tới Quốc hội kỳ vọng của cử tri: Sau khi được di dời, trụ sở cũ của các bộ ngành sẽ là công viên, công trình tiện ích công cộng chứ không phải trở thành những tòa nhà chọc trời của đại gia A, đại gia B thách thức dư luận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.