Đại tướng Tô Lâm được giới thiệu để bầu Chủ tịch nước
Trong buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình Quốc hội danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Sau đó, các đại biểu thảo luận tại đoàn về danh sách đề cử trên.
Sáng mai (22/5), Quốc hội tiếp tục họp riêng về công tác nhân sự. Theo đó, UBTVQH báo cáo về việc giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH thảo luận tại Đoàn về danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước (nếu có).
Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước; Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu.
Tiếp đó, UBTVQH trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước trước khi Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.
Tân Chủ tịch nước tuyên thệ và phát biểu nhậm chức. Chương trình được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Tại Hội nghị Trung ương 9 (16-18/5), Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định giới thiệu nhân sự để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 với thống nhất rất cao. Nhân sự được giới thiệu cho vị trí này là Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an.
Đại tướng Tô Lâm sinh năm 1957, quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.
Sau 5 năm học tại Đại học An ninh nhân dân, ông Tô Lâm trở thành cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I, sau đó kinh qua nhiều chức vụ ở các đơn vị của Bộ Công an và lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Bộ Công an trong suốt quá trình công tác.
Trình tự bầu Chủ tịch nước
Theo Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, đại diện cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội theo đề nghị của UBTVQH, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.
Trước tiên, UBTVQH trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Ngoài danh sách do UBTVQH đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.
Sau đó, đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.
UBTVQH báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử (nếu có).
Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước; Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.
Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín; Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, kết quả biểu quyết.
UBTVQH trình Quốc hội dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch nước.
Quốc hội thảo luận; UBTVQH báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết.
Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết; Chủ tịch nước tuyên thệ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận