Đề nghị giao Bộ trưởng GTVT quy định quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc
Sáng nay (21/5), thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ.
Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7 có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình; đã chỉnh sửa nội dung 82 điều, bỏ 7 điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 3 điều.
Về kết cấu hạ tầng đường bộ, UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý tối đa theo ý kiến ĐBQH, tập trung vào các quy định tại Điều 8 (phân loại đường bộ theo cấp quản lý), Điều 12 (quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 15 (hành lang an toàn đường bộ), Điều 16 (sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ), Điều 28 (đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 31 (bàn giao, đưa công trình đường bộ vào khai thác).
Đối với các quy định về đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý Điều 8 để xác định trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý đường bộ, trên cơ sở đó chỉnh lý Điều 28, Điều 37 dự thảo Luật để xác định trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ theo hướng viện dẫn quy định tại Điều 8.
Về nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh sửa khoản 2 Điều 42 để thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành
Về đường bộ cao tốc, tuy đường cao tốc là cấp kỹ thuật của đường bộ, nhưng có những yêu cầu riêng về đầu tư, xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì.
Do đó, việc xây dựng một chương riêng nhằm cụ thể hóa những nội dung này để bảo đảm cơ sở pháp lý, tính khả thi cho hoạt động đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường cao tốc.
Về ý kiến đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với đường cao tốc, UBTVQH đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và phù hợp thẩm quyền.
Đối với quy định về mở rộng, nâng cấp đường cao tốc, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý để thống nhất với quy định của pháp luật về xây dựng, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư… và phù hợp với thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực tài chính cho hoạt động đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ hiện hành thành đường cao tốc hoặc các tuyến đường cao tốc được đầu tư theo quy mô phân kỳ.
Về hoạt động vận tải, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã cho chỉnh lý các quy định tại chương IV theo hướng rà soát, bảo đảm thống nhất với quy định của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, chỉ tập trung quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh vận tải và các dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải đường bộ.
Về quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ, tiếp thu ý kiến ĐBQH, đã cho bổ sung tại khoản 2 Điều 83 của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với dự thảo Luật TTATGT đường bộ, vì việc thanh tra hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và kiểm định phương tiện trong lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện.
Đối với ý kiến đề nghị quy định thanh tra đường bộ được dừng phương tiện để xử lý, để bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng thanh tra đường bộ, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ, dự thảo Luật quy định theo hướng thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường, chỉ xử lý trách nhiệm thông qua các điểm giao thông "tĩnh", qua cơ sở dữ liệu. Việc tuần tra, xử lý trên đường do lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện.
Về hiệu lực thi hành, căn cứ đề nghị của cơ quan soạn thảo, UBTVQH đã cho đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý và đề nghị Quốc hội cho bổ sung khoản 2 Điều 85 dự thảo Luật, theo đó các quy định liên quan đến việc thu phí sử dụng đường cao tốc sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2024 để kịp thời tổ chức triển khai hoạt động thu phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định của Luật này.
Đề nghị cho phép dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ hoạt động
Cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội lần này, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên) băn khoăn, dự thảo Luật quy định tại khoản 10 Điều 56, đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất.
“Tôi hiểu Ban soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên, việc này vô tình hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến”, bà Yên băn khoăn.
Đại biểu Yên cho rằng, về cơ bản, mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng cho phép các hành khách khác nhau có cùng lộ trình nhưng khác điểm đón và trả khách có thể đi chung một chuyến xe. Hành khách sẽ được hưởng cước phí di chuyển rẻ hơn, còn người lái xe cũng được gia tăng thu nhập do lượng hành khách trong một chuyến xe tăng lên. Đồng thời, mô hình này cũng mang nhiều lợi ích cho xã hội, giảm tắc nghẽn, ô nhiễm.
Do đó, đại biểu Yên đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng “xe dù, bến cóc”, nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ hoạt động.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng lo ngại, quy định hiện như trong dự thảo Luật sẽ dẫn đến không còn mô hình chia sẻ xe bằng ô tô con dưới 10 chỗ, bao gồm cả hợp đồng giấy, hợp đồng điện tử qua nền tảng gọi xe trực tuyến.
Việc chia sẻ xe cho phép một chuyến xe hợp đồng được chở khách độc lập miễn là có cùng cung đường di chuyển, các hành khách đồng ý ghép để tối ưu hóa quãng đường, chi phí. Dịch vụ chia sẻ hiện đang được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong nước, dịch vụ này đang được các đơn vị vận tải thực hiện bằng việc ghép chung các chuyến đi theo lộ trình cố định khi di chuyển liên tỉnh và được người tiêu dùng đón nhận.
Cách thức này giúp giảm bớt áp lực cho giao thông, ô nhiễm môi trường là điển hình kinh tế chia sẻ, kinh tế số, đem lại nhiều lợi ích kinh tế.
Do đó đại biểu đề nghị chỉnh lý điểm này theo hướng quy định chỉ có ô tô khách mới phải thực hiện hợp đồng vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe bao gồm người lái. Còn loại xe chở người không phải ô tô khách thì chỉ cần hợp đồng bằng giấy hoặc điện tử mà không giới hạn về việc thuê cả chuyến hay không để tạo điều kiện triển khai luật trên thực tế.
Làm rõ quy định về các hành vi bị cấm
Quan tâm góp ý về các hành vi bị cấm trong dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho biết, tại khoản 3 Điều 7 của dự thảo Luật quy định về hành vi bị nghiêm cấm là lấn chiếm sử dụng xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.
Tuy nhiên, quy định này cần loại trừ đối với các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 32 của dự thảo Luật này, bao gồm các trường hợp thi công trên đường bộ đang khai thác không phải cấp giấy phép. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại để bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định trong dự thảo luật; hoặc thể hiện lại khoản 3 Điều 7.
Bên cạnh đó, bà Mẫn cho biết, khoản 3 Điều 7 chỉ quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, trong khi đó khoản 2 Điều 21 của dự thảo luật quy định tổ chức cá nhân khi xây dựng, cải tạo, mở rộng bảo trì công trình và tiến hành các hoạt động khác trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ phải được phép theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của dự thảo Luật.
“Như vậy, đối với các hành vi cải tạo, mở rộng công trình và các hoạt động khác nếu không được phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ có bị coi là vi phạm điều cấm hay không? Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ để quy định các hành vi bị nghiêm cấm bảo đảm đầy đủ, bao quát”, bà Mẫn nói.
Đại biểu đoàn Thanh Hóa cũng cho hay, theo quy định tại khoản 4 Điều 5 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một trong những nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần bảo đảm tính khả thi, dễ tiếp cận, dễ thực hiện.
Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy một số nội dung tại khoản 1, khoản 4 và khoản 6 Điều này còn quy định sử dụng cụm từ là “trái quy định của pháp luật” là chưa rõ ràng, còn chung chung.
Đại biểu Mẫn cho rằng, “quy định của pháp luật” là rất rộng, việc chỉ gói gọn các hành vi cấm tại khoản 1, khoản 4 và khoản 6 để xác định thế nào là “trái quy định của pháp luật” để được coi là hành vi bị nghiêm cấm sẽ gây khó khăn cho người dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, áp dụng các quy định của Luật. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định cụ thể, rõ ràng các nội dung nêu trên.
Quản chặt hơn nữa các xe chở khách theo hợp đồng
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn tỉnh Đăk Nông) góp ý về quy định đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, đại lý bán vé không được phép tổ chức đưa đón - trả khách tại địa điểm kinh doanh dịch vụ, đại lý bán vé, trừ trường hợp đại lý nằm ở bến xe.
Cơ bản thống nhất, ông Mai cho biết, thực tế việc thực thi chưa thực sự nghiêm minh, vẫn xảy ra tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải, đại lý bán vé tổ chức đón tại nơi bán vé, nhất là ở những nơi có bến xe cách xa trung tâm. Từ đó, tạo ra tình trạng giao thông lộn xộn, mất an toàn.
Đại biểu Mai đề nghị cần có quy định rõ ràng ở khoản này, đề cao việc tổ chức, thực thi và cần có chế tài nghiêm minh.
Trước thực tế vận tải hành khách theo hợp đồng đang hoạt động như vận tải tuyến cố định, cũng chở khách hàng ngày cùng một điểm đến và điểm đi. Việc này đã tác động tiêu cực, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị vận tải, tiềm ẩn nguy cơ mất TTATGT. Do đó, Luật cần quy định chặt chẽ hơn với hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Đề xuất luật hóa cấm lập chốt thu phí trái phép
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) đề nghị nghiên cứu bổ sung cấm hành vi lập chốt thu phí trái pháp luật vì trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí gây ảnh hưởng đến ATGT.
Đại biểu Huế cho biết, tại điểm a khoản 1, điều 14 Nghị định số 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có quy định xử phạt hành chính về hành vi xây dựng, tự ý lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về GTVT cho phép.
Do đó, việc bổ sung hành vi này trong dự thảo luật là phù hợp.
Đề nghị bổ sung "đường tốc độ cao", phân biệt với đường cao tốc
Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) quan tâm đến Điều 10 quy định cấp kĩ thuật của đường bộ.
Theo đó, tại khoản 2 của điều này, đại biểu cho rằng, đường tốc độ cao khác với đường cao tốc vì có thể không có dải phân cách, không có đường lánh nạn, tổ chức giao thông giống như quốc lộ. Đường tốc độ cao cũng khác với đường quốc lộ là không có dân cư hai bên.
Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm "đường tốc độ cao" để bao quát hết các loại đường và tổ chức giao thông cho phù hợp đối với đường cao tốc, đường tốc độ cao và đường quốc lộ.
Giải quyết nút thắt cơ bản khi triển khai dự án PPP
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện Luật Đường bộ trong thời gian qua là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Ngoài các chính sách ưu tiên các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; xây dựng cơ chế để đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội; các phương thức đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng... việc cho phép không tính giá trị tài sản công là kết cấu hạ tầng đường bộ là một hướng đi hết sức đúng đắn, trên cơ sở đúc rút các kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tổ chức đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường bộ.
Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên thực tế khi triển khai các dự án PPP.
"Dù quy định này có khả năng làm tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá tỷ lệ 50% tổng mức đầu tư dự án và khác với quy định của Luật PPP, nhưng với những phân tích cụ thể trong dự thảo Luật đã giải quyết được một trong những nút thắt cơ bản khi triển khai các dự án đầu tư mở rộng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng nói chung, trong đó có kết cấu hạ tầng đường bộ theo phương thức đối tác công tư", bà Trân nói.
Cụ thể, trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước khó khăn, cần huy động tối đa nguồn lực xã hội, đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp, mở rộng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư.
Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả đầu tư một số tuyến đường chưa đầu tư ngay theo quy mô quy hoạch, việc phân kỳ đầu tư theo hình thức đầu tư công trong giai đoạn tiếp theo là phù hợp, cần thiết.
Băn khoăn trách nhiệm phê duyệt hệ thống đường bộ
Đây là vấn đề đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) băn khoăn. Theo ông Tiến, hiện dự thảo Luật đang quy định Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch mạng lưới đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên tại điểm a, khoản 2 Điều 30 về kết nối giao thông đường bộ quy định: Kết nối các hệ thống đường bộ, các tuyến đường bộ với nhau tạo thành mạng lưới đường bộ.
“Quy định như vậy thì mạng lưới đường bộ sẽ bao gồm tất cả các hệ thống đường bộ đều do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là không phù hợp”, đại biểu Tiến nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, dự thảo Luật còn quy định thời kỳ quy hoạch mạng lưới đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm. Thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm.
“Quy định như vậy chưa chính xác, vì thời điểm quy hoạch mạng lưới đường bộ và thời điểm quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ không trùng nhau thì sẽ lệch pha nhau và chỉ đúng khi thời điểm quy hoạch trùng nhau. Quy định này nên chỉnh sửa lại theo hướng thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ phù hợp với thời kỳ quy hoạch mạng lưới đường bộ”, ông Tiến đề xuất.
Đề nghị đưa phí nội đô vào luật
Nhất trí cao với nhiều nội dung trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ (đoàn Hà Nội) góp ý thêm về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ và phí sử dụng đường bộ.
Theo đại biểu Thuỷ, quy định về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng trong dự thảo là quá chi tiết, có một số nội dung chưa sát thực tế, có những nội dung không phù hợp với xu thế tương lai.
Theo bà Thuỷ, UBTVQH đã có điều chỉnh về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ tương tự ở mức được quy định trong dự thảo luật. Tuy nhiên, đây là mức để đánh giá phân loại với đô thị mới thành lập, hoặc trường hợp cần đánh giá lại đô thị hiện hữu chứ không phải mức tất cả đô thị phải đạt ngay. Thực tế ngay cả đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, tỷ lệ đất cho kết cấu giao thông mới chỉ 13%.
"Việc quy định cụ thể tỷ lệ đất dành cho giao thông như mức dự kiến trong dự thảo luật để áp dụng ngay với tất cả các đô thị bao gồm cả hiện hữu và hình thành mới là không công bằng. Trong khi đó, nếu không kèm theo chế tài để xử lý thì không khả thi", đại biểu đoàn Hà Nội nói.
Mặt khác, đất đô thị ngày càng có giá, chi phí ngày càng đắt đỏ. Đại biểu lấy dẫn chứng hiện nay TP Hà Nội dự kiến mở rộng đường Láng - Ngã Tư Sở dự kiến cần gần 5.000 tỷ/1km đường.
Bên cạnh đó công tác thu hồi đất, lập dự án phát triển đường đô thị hiện nay cũng khó khăn nên các đô thị không thể phát triển mãi theo hướng xây mới mà cần tập trung vào tổ chức giao thông hiệu quả, hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển giao thông đa tầng khối lượng lớn.
Hiện đã có chục tỉnh thành dự kiến quy hoạch xây dựng đường sắt đô thị, tàu chạy ngầm và tàu trên cao. Nếu quy hoạch hiệu quả thì diện tích đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị không nhất thiết phải giữ ở mức cao, có thể sử dụng cho các mục đích khác hiệu quả hơn.
Do đó, đại biểu Thuỷ đề nghị không quy định quá chi tiết về tỷ lệ đất dành cho kết cấu của từng loại đô thị, chỉ cần ghi phù hợp với tiêu chuẩn và trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, cảnh quan của loại đô thị tương ứng để đảm bảo tính tương ứng.
Về các loại phí sử dụng đường bộ, đại biểu Thuỷ nhất trí với sửa đổi bổ sung và nội dung giải trình nhưng đề nghị cân nhắc bổ sung phí giao thông nội đô áp dụng với ô tô cá nhân vào một số khu vực đô thị trong khung thời gian nhất định. Như vậy để hạn chế phương tiện cá nhân phát triển quá mức, giảm tắc nghẽn, mặt khác bổ sung nguồn thu cho Nhà nước để phát triển kết cấu giao thông đường bộ, giao thông công cộng.
Hiện có 5 tỉnh, thành được thí điểm áp dụng thu các loại phí chưa được quy định trong luật và một số thành phố như Hà Nội, TP.HCM đã tiến hành đề án thu phí nội đô, phí kẹt xe nhưng vì chưa có luật quy định nên việc áp dụng còn dè dặt.
Do đó, đề nghị bổ sung loại phí này vào Luật Đường bộ, các pháp luật về phí và giao HĐND cấp tỉnh quy định về phạm vi địa bàn, đối tượng áp dụng.
Xác định rõ phạm vi, quy mô để làm cơ sở phân loại đường bộ
Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho biết, tại Điều 8 và Điều 9 của dự thảo Luật quy định các vấn đề liên quan đến phân loại đường bộ cần làm rõ khái niệm về "khu vực" và "vùng" để xác định rõ phạm vi, quy mô, làm cơ sở cho việc phân loại đường bộ và thuận lợi cho công tác triển khai sau khi Luật có hiệu lực.
"Đối với quy định tại Điều 17 về phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ, cần rà soát, bổ sung thêm cụ thể để đảm bảo tính tường minh và chặt chẽ", ông Phước đề xuất.
Điều 18 dự thảo Luật quy định, việc lắp đặt biển tuyên truyền phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, không được che khuất biển báo hiệu đường bộ, không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, không ảnh hưởng đến việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo trì đường bộ…
Tuy nhiên, đại biểu Phước cho rằng, biển tuyên truyền có ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường bộ, an toàn giao thông như biển quảng cáo, vì vậy, cần có quy định chặt chẽ hơn nữa đối với việc xây dựng, lắp đặt biển tuyên truyền.
Khuyến khích lập dự án giao thông gắn với tạo quỹ đất sạch hai bên đường
Tại Chương 2 về đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung 1 điều quy định mang tính nguyên tắc là: Nhà nước có trách nhiệm khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện bỏ vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ.
“Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện để đảm bảo tinh thần khuyến khích, tính chủ động, trách nhiệm phục vụ, hỗ trợ và giải trình của Nhà nước khi tiếp nhận các đề xuất của các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn để đầu tư”, ông Thịnh đề xuất.
Ngoài ra, đại biểu Thịnh cũng đề nghị bổ sung quy định khuyến khích việc lập dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn với việc thực hiện các dự án tạo quỹ đất sạch 2 bên đường để đấu giá, cân đối nguồn vốn trong cùng 1 dự án.
Ví dụ, một tuyến đường cần đầu tư mà quy hoạch 2 bên đường hiện có quy hoạch các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp (thuộc diện trường hợp Nhà nước thu hồi đất) thì khuyến khích việc lập dự án tổng thể đầu tư xây dựng tuyến đường gắn với dự án tạo quỹ đất sạch để đấu giá, đảm bảo cân đối được nguồn vốn trong cùng dự án.
“Với cách làm trên, chúng ta sẽ không thiếu nguồn lực để làm giao thông, phát huy được hình thức đấu giá đất sạch, tăng công khai, minh bạch, phòng ngừa rủi ro tiêu cực. Quy định cụ thể sẽ giao Chính phủ”, ông Thịnh đề xuất.
Hoàn thiện báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo luật
Phát biểu giải trình, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban An ninh quốc phòng đã làm rõ thêm ý kiến đại biểu về việc còn sự trùng lặp giữa Luật Đường bộ và dự án Luật TTATGT đường bộ.
Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết 2 luật này được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ. Hai Luật có mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết, không thể thiếu. Dù các cơ quan đã rà soát chặt chẽ, kỹ càng, có sự bóc tách hợp lý vừa đáp ứng yêu cầu về mặt pháp lý nhưng vẫn có sự giao thoa tương đối như vấn đề tổ chức giao thông…
Do đó các cơ quan sẽ tiếp tục rà soát theo nguyên tắc hợp lý tương đối và không mâu thuẫn nhau để quy định phạm vi điều chỉnh một cách hợp lý.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đã có 23 lượt ý kiến phát biểu, các ý kiến đều có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, sâu sắc và toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội đối với dự án luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Qua thảo luận, đại đa số ý kiến ĐBQH đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của UBTVQH, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, cơ quan hữu quan theo sự chỉ đạo để nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, khảo sát thực tiễn, thu thập thêm nhiều thông tin hữu ích phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý, giải trình.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, các ý kiến đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp để gửi đến các đại biểu Quốc hội và chuyển cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẩn trương chủ trì phối hợp với các cơ quan tiếp thu giải trình đầy đủ ý kiến các đại biểu Quốc hội tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo luật và báo cáo UBTVQH cho ý kiến.
Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn chỉnh dự thảo luật gửi Thường trực Ủy ban Pháp luật rà soát đầy đủ về kỹ thuật lập pháp và các quy định liên quan; đồng thời hoàn thiện báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, với tinh thần không có ý kiến của đại biểu nào không được tiếp thu, giải trình, tạo được sự đồng thuận cao và biểu quyết thống nhất đúng theo chương trình của kỳ họp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận