Hiện nhu cầu thay thế thuyền viên tại cảng biển Việt Nam vẫn rất lớn - Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Hà Hải, Phó Trưởng phụ trách Văn phòng thường trực Ban Thư ký IMO Việt Nam cho biết, hiện công tác thay thế thuyền viên tại cảng biển Việt Nam đã có những “khung” thủ tục, tạo thuận lợi cho chủ tàu, đơn vị quản lý thuyền viên.
Cụ thể, thủ tục và quy trình thay thế thuyền viên quốc tịch Việt Nam đi tàu hoạt động tuyến nội địa bắt đầu bằng thủ tục chủ tàu, đại lý, đơn vị quản lý thuyền viên gửi thông báo về Sở Y tế của tỉnh tiếp nhận việc thay thế thuyền viên trước 7 ngày để Sở Y tế xem xét, hướng dẫn và bố trí địa điểm cách ly phù hợp.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ thay đổi thuyền viên, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đó sẽ xác nhận và văn bản gửi cho cảng vụ để thực hiện việc thay thế và đón thuyền viên đi cách ly tập trung.
Tìm hiểu của PV, hiện tại, công tác thay thế thuyền viên diễn ra chủ yếu tại các khu vực cảng biển: Quảng Ninh, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh.
Đối với việc thay thế thuyền viên quốc tịch Việt Nam đi tàu hoạt động tuyến quốc tế và thay thế tại Việt Nam, thời gian chủ tàu/đơn vị quản lý thuyền viên phải gửi về cơ quan chức năng địa phương trước 7 ngày để Sở Y tế bố trí địa điểm cách ly.
Tàu vào cảng hay vùng neo đậu phải thực hiện các biện pháp cách ly và không cho bất kỳ thuyền viên nào vào bờ.
“Trước khi tàu vào cảng biển, các chủ tàu, đại lý phải có văn bản thông báo chính thức cho cơ quan y tế và các cơ quan quản lý tại cảng biển, cửa khẩu về số lượng thuyền viên trên tàu, số thuyền viên nhập tàu, số thuyền viên rời tàu, thời gian dự kiến thay thuyền viên.
Sau khi chủ tàu hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thuyền viên sẽ được thay thế và đón đi cách ly tập trung. Các thuyền viên lên thay thế phải thực hiện các khai báo về lịch trình di chuyển các xác nhận của đơn vị quản lý thuyền viên”, ông Hải thông tin.
Nỗi lo lớn nhất đối với chủ tàu, đơn vị sử dụng thuyền viên Việt Nam hiện nay là chi phí cách ly tại một số địa phương vẫn khá cao, tạo ra áp lực tài chính lớn - Ảnh minh họa
Khác với hai trường hợp trên, thủ tục và quy trình thay thế thuyền viên quốc tịch nước ngoài tại Việt Nam có phần phức tạp hơn.
Cụ thể, khi thực hiện việc thay đổi thuyền viên ở Việt Nam thì chủ tàu, đại lý, đơn vị quản lý thuyền viên phải văn bản về việc thay thế thuyền viên cho các cơ quan liên quan (UBND tỉnh/thành phố; Cục Xuất nhập cảnh/Sở Ngoại vụ tỉnh/BCH Biên phòng tỉnh; Sở y tế,...).
Kế hoạch thay đổi sẽ phải chờ sự chấp thuận của UBND địa phương và chờ văn bản duyệt nhân sự của Cục Xuất nhập cảnh về việc đồng ý cho thuyền viên được nhập cảnh tại cửa khẩu của cảng biển tàu neo đậu. Thời gian để có văn bản xác nhận là 3 ngày làm việc.
Tiếp theo, chủ tàu/đơn vị quản lý thuyền viên lấy văn bản duyệt nhân sự gửi BCH Biên phòng địa phương để dán thị thực (visa) cho thuyền viên nhập cảnh vào Việt Nam.
Cuối cùng, đơn vị sử dụng thuyền viên phối hợp với cơ quan liên quan đưa thuyền viên đi cách ly theo quy định. Những thuyền viên thay thế có quốc tịch nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam sau khi thực hiện đủ 21 ngày cách ly theo quy định của Chính phủ sẽ được gửi đến BCH Biên phòng của địa phương để thực hiện việc nhập tàu.
Được biết, do nhu cầu về nguồn lực phục vụ cho việc khai thác và vận hành đội tàu, một số chủ tàu Việt Nam hiện đang sử dụng nhiều thuyền viên có quốc tịch: Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Indonesia, Philipines…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận