Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn GTVT VN, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Từ thiện Công đoàn GTVT VN thăm hỏi, tặng quà tri ân nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Tường Lân
Chiều nay (8/3), Quỹ Từ thiện Công đoàn GTVT Việt Nam đến thăm nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Tường Lân đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô.
Thăm hỏi, trao quà từ nguồn Quỹ Từ thiện Công đoàn GTVT VN, ông Đỗ Nga Việt, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Công đoàn GTVT VN, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ gửi lời thăm hỏi, tri ân của lãnh đạo Bộ GTVT và CBCNV-LĐ toàn ngành đến nguyên Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân.
Cho rằng những đóng góp to lớn của nguyên Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành GTVT, ông Đỗ Nga Việt mong nguyên Thứ trưởng khỏe mạnh, là điểm tựa tinh thần cho các thế hệ CBNCV-LĐ ngành GTVT học tập, noi theo.
Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân là nhà cách mạng và chính khách Việt Nam, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV. Ông sinh năm 1921, quê ở xã Động Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Ông cũng từng được biệt phái sang làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Đoàn 559 dưới quyền Tư lệnh Phan Trọng Tuệ, trực tiếp chỉ huy việc mở đường 20 từ Tây Quảng Bình vào A Sầu, A Lưới, Tây Thừa Thiên, đảm bảo GTVT chi viện chiến trường.
Trước Cách mạng Tháng 8/1945, ông từng là ký giả. Năm 1942, ông về quê dạy chữ cho trẻ em trong họ, trong làng và bắt đầu tham gia các hoạt động. Ông vào Đoàn Thanh niên cứu quốc từ năm 1944 và khi Cách mạng Tháng 8/1945 nổ ra, ông tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ngay tại quê hương.
Năm 1946, khi ấy mới 25 tuổi, ông giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Kiến Xương. Năm 1947, được cử sang Nam Định, giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Hải Hậu và một năm sau được điều động lên chiến khu Việt Bắc, bắt đầu thời kỳ gắn bó cả cuộc đời với ngành GTVT cho tới ngày về hưu.
Tại chiến khu Việt Bắc, ông được cử đi học tại Học viện Giao thông Đường Sơn, Trung Quốc. Đầu năm 1954 về nước, ông được giao phụ trách kỹ thuật xây dựng cầu Khánh Khê, chiếc cầu quan trọng trên con đường 1B mới mở để kéo pháo từ Trung Quốc về Việt Nam tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, ông được điều về công tác tại Tổng cục Đường sắt, rồi được cử làm Đội trưởng Đội cầu Phủ Lạng Thương, khôi phục chiếc cầu bị phá hủy nặng nhất trên tuyến đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan (Lạng Sơn). Năm 1958, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng đầu tiên của Viện Thiết kế Đường sắt.
Năm 1963, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ GTVT, giúp việc Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, phụ trách lĩnh vực khoa học kỹ thuật và xây dựng công trình của Bộ. Khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay và tàu chiến của Mỹ nổ ra trên miền Bắc, từ năm 1965, ông liên tục có mặt tại tuyến lửa Khu IV, tham gia chỉ huy công tác bảo đảm GTVT trên các tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam.
Tuyến đường sắt Thống nhất khánh thành năm 1976 sau hơn một năm khôi phục, có sự đóng góp to lớn của nguyên Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân, khi đó là Tổng cục phó Tổng cục Đường sắt kiêm Phó ban Chỉ đạo khôi phục tuyến đường sắt Thống nhất.
Năm 1972, khi chuẩn bị mở chiến dịch Quảng Trị, ông được điều động trở lại Khu IV, làm Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy chi viện tiền tuyến, trực tiếp chỉ huy việc bảo đảm GTVT phục vụ bộ đội đưa pháo 130 ly cùng khí tài và đạn dược vào Vĩnh Linh để bắn phá các cứ điểm Cồn Tiên, Dốc Miếu của quân đội Sài Gòn.
Năm 1975, sau chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, ông Nguyễn Tường Lân được cử vào miền Nam, trực tiếp làm Tổng cục trưởng Giao thông vận tải của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, lãnh đạo công việc tiếp quản, khôi phục và quản lý các hoạt động của ngành GTVT phía Nam.
Năm 1976, ông được cử làm Tổng cục phó Tổng cục Đường sắt kiêm Phó ban Chỉ đạo khôi phục tuyến đường sắt Thống nhất, trực tiếp chỉ huy việc khôi phục tuyến đường sắt từ TP Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, ông Nguyễn Tường Lân được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT, sau đó là Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường biển, bắt tay xây dựng ngành Vận tải biển thành một ngành kinh tế quan trọng của cả nước, trực thuộc Chính phủ.
Năm 1980, cảng Hải Phòng được quân sự hóa, mọi công việc chỉ huy, bốc xếp hàng hóa tại cảng đều giao quân đội đảm nhận. Sau một thời gian, nhận thấy mô hình này hoạt động không hiệu quả, cảng Hải Phòng trở lại mô hình hoạt động của một thương cảng. Ông lại được cử về kiêm chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cảng Hải Phòng, trực tiếp lãnh đạo việc khôi phục hoạt động của cảng đúng với nghĩa là một thương cảng.
Năm 1981, ông lại nhận nhiệm vụ mới, làm Trưởng đoàn chuyên gia Giao thông - Bưu điện của Việt Nam sang giúp nước bạn Campuchia. Sau gần ba năm ở Campuchia, trở về nước, ông tiếp tục đảm nhận công việc của Thứ trưởng Bộ GTVT, phụ trách phía Nam cho tới năm 1989 thì nghỉ hưu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận