Xã hội

Quỹ vaccine phòng Covid-19 vận hành thế nào?

24/05/2021, 07:31

Việc thành lập Quỹ Vaccine phòng Covid-19 được cho là giúp đẩy nhanh tiến độ mua, nhập khẩu vaccine tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.

img

Đánh giá sơ bộ kết quả giai đoạn 2 tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax sẽ có vào tuần sau. Ảnh: Tạ Hải

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ xem xét, phê duyệt việc thành lập Quỹ Vaccine phòng Covid-19. Mục đích nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác mua vaccine phòng Covid-19.

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, việc thành lập Quỹ được cho là giúp đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vaccine để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân. Vậy, cách thức huy động, tiếp nhận và sử dụng ngồn hỗ trợ của quỹ được vận hành ra sao?

Chưa ra mắt đã có hàng nghìn tỷ ủng hộ

Cuối tuần qua, đại diện Tập đoàn Vingroup đã trao tặng Bộ Y tế 4 triệu liều vaccine phòng Covid-19, cùng tham gia đóng góp chương trình tiêm vaccine Covid-19 cho người Việt.

Trong năm 2020, tập đoàn này cũng đã có nhiều chương trình tài trợ thiết thực cho việc nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng ngừa Covid-19, sản xuất máy thở, hỗ trợ các gói trang thiết bị y tế, máy móc - hóa chất xét nghiệm, tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch... với số tiền trên 1.277 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, đại diện 4 ngân hàng lớn là: Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đã trao tặng 100 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 25 tỷ đồng) vào quỹ mua vaccine phòng Covid-19. Lãnh đạo HDBank cũng đại diện cho Tập đoàn Sovico Group tặng Quỹ Vaccine phòng Covid-19 khoản tiền 60 tỷ đồng.

Đây là những tín hiệu rất tích cực ngay sau khi đề xuất thành lập Quỹ Vaccine phòng Covid-19 của Bộ Tài chính được thông tin rộng rãi.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, trước khi Bộ Tài chính chính thức đề xuất Chính phủ thành lập Quỹ Vaccine phòng Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng xin góp kinh phí với mong muốn, sau khi các đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine thì sẽ đến lượt cán bộ, công nhân viên của họ.

“Kinh phí chống dịch lúc nào cũng thiếu, nên nếu có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, người dân và xã hội là điều rất tốt, san sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước”, ông Hưng nói và cho biết, riêng chi phí vaccine, theo tính toán của Bộ Y tế sẽ cần khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng (150 triệu liều tiêm cho 75 triệu người).

Trong đó kinh phí mua vaccine khoảng 21 nghìn tỷ đồng, kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.

Còn theo tính toán của Bộ Tài chính, để mua vaccine, ngân sách Trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, đảm bảo cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn.

Còn lại ngân sách địa phương chi và phải huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, khi dịch kéo dài thì nhu cầu vaccine hàng năm tăng cao, kinh phí sẽ mua vaccine còn lớn hơn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước thì sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.

Xong nhiệm vụ sẽ giải tán Quỹ

Về cơ chế vận hành Quỹ Vaccine phòng Covid-19, ông Hưng cho biết, quỹ có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính cho hoạt động tài trợ, hỗ trợ mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19.

Quỹ được vận động quyên góp, tài trợ; Tiếp nhận, quản lý sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, tài trợ cho các hoạt động mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19.

Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Quỹ sẽ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của các cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước.

“Quỹ huy động từ các tổ chức, cá nhân theo tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Mặt trận Tổ quốc sẽ đứng ra kêu gọi, nếu Chính phủ giao, Bộ Tài chính sẽ quản lý. Người dân và doanh nghiệp trong, ngoài nước có thể chuyển tiền vào tài khoản của quỹ mở tại ngân hàng thương mại, kho bạc Nhà nước.

Mục đích của quỹ chỉ là để mua vaccine nên khi Bộ Y tế có hợp đồng mua, Bộ Tài chính sẽ căn cứ trên cơ sở hợp đồng đó để chuyển tiền. Quỹ chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian, và khi hết nhiệm vụ sẽ giải tán quỹ”, ông Hưng thông tin.

Vậy, trong trường hợp quỹ không huy động đủ nguồn lực, hoạt động tiêm phòng cho người dân được thực hiện ra sao?

Về vấn đề này, ông Hưng khẳng định, trong trường hợp không có nguồn hỗ trợ, ngân sách vẫn phải đảm bảo đủ cho công tác phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho toàn dân.

Về kinh phí phòng, chống dịch trong năm nay, Thủ tướng đã có Quyết định số 482 về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương. Chính phủ cũng mới ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19. “Còn thực tế sẽ phụ thuộc tình hình diễn biến của dịch bệnh”, ông Hưng nói.

Nỗ lực sớm ra mắt vaccine trong nước

Cùng với huy động mọi nguồn lực để mua, nhập khẩu vaccine, các đơn vị cũng đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Hoa Sơn, Phó chánh Văn phòng Chương trình sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho người khẳng định, việc phát triển vaccine trong nước vẫn theo đúng kế hoạch.

Vaccine Nanocovax của Nanogen (Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen) đã tiêm thử nghiệm xong giai đoạn 2, tiếp tục theo dõi, đánh giá. Dự kiến, đến tuần sau sẽ có đánh giá sơ bộ kết quả giai đoạn 2 của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế, sau đó nếu thông qua sẽ chuyển sang giai đoạn 3.

Còn với Covivac của IVA (Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang) cũng đã tiêm thử nghiệm xong phần giai đoạn 1, sang tháng 6 mới đánh giá để chuyển sang giai đoạn 2.

Bộ Y tế cho biết, đến nay đã có khoảng 110 triệu liều vaccine cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021, bao gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine phòng Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Việc có đủ nguồn vaccine tiêm chủng cho người dân là điều rất quan trọng để chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước.


Vaccine Nano Covax trong giai đoạn 2 được tiến hành tiêm thử nghiệm trên 560 người chia làm 4 nhóm, tiêm 3 mức liều 25mcg, 50mcg và 75mcg cùng 1 nhóm tiêm giả dược.

Kết quả cho thấy cả 3 mức liều đều đảm bảo độ an toàn. 100% người được tiêm 3 mức liều kể trên đều sinh miễn dịch ở các mức độ khác nhau.

Về chỉ số kháng thể trung hòa virus (khả năng tiêu diệt virus xâm nhập sau tiêm vaccine), mức liều 25mcg đạt cao nhất với trên 90% ở 14 ngày sau tiêm mũi 2 (tức 42 ngày sau tiêm mũi đầu tiên).

Hai mức liều còn lại đạt xấp xỉ liều 25mcg nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 2 của vaccine này đã mở rộng ra nhóm người cao tuổi và có bệnh lý nền.

Hiện, 108 người cao tuổi đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, trong đó, cao nhất là 76 tuổi. Kết quả cho thấy, các tình nguyện viên có triệu chứng như sốt nhẹ, đau chỗ tiêm tự hết, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi… nhưng hết nhanh, không cần can thiệp y tế.

Nếu tiếp tục thực hiện giai đoạn 3, nhóm nghiên cứu báo cáo Bộ Y tế, đề nghị thử nghiệm trên nhóm lớn người tình nguyện từ 10.000 - 15.000 người cả ở Việt Nam và nước ngoài. Giai đoạn này chỉ sử dụng 1 mức liều hiệu quả nhất là liều 25mcg, mỗi người tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày. Tất cả các đề xuất này sẽ được trình hội đồng xem xét.

Còn theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, trong các đơn vị sản xuất vaccine hiện nay, gồm Nanogen với Nanocovax, IVAC với Covivac; vaccine của Vabiotech (Công ty TNHH một thành viên Vaccine và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế) hiện đang hoàn thiện để đưa vào tiêm thử nghiệm thì cơ bản vaccine của Nanogen là 1 trong 3 vaccine ngừa Covid-19 nội địa mang tính khả thi cao nhất. Sau khi hoàn thành giai đoạn 3, vaccine này có thể sẽ được cấp phép sớm sử dụng cho người dân.

“Ngay từ đầu năm 2020, Bộ Y tế đã xác định dứt khoát có vaccine và nhanh nhất có thể. Trên thực tế chưa đầy một năm, việc sản xuất vaccine ở Việt Nam đạt được kết quả rất khả quan, ngoài mong đợi. Tuy nhiên, hiện nay việc rút ngắn chu trình sản xuất còn phụ thuộc rất nhiều vào kết quả thử nghiệm đầu giai đoạn 3”, ông Quang cho biết.

Riêng vaccine Covivac, ông Nguyễn Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang cho hay, đã tiêm thử nghiệm xong phần giai đoạn 1, kết quả đến thời điểm này chưa gặp biến cố bất lợi nghiêm trọng, hiện đang tiếp tục theo dõi đánh giá và chuẩn bị sang giai đoạn 2. Với vaccine này nếu thuận lợi, phải sang năm 2022 mới hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 và cho ra thành phẩm.

Công khai số tiền huy động, tổ chức, cá nhân ủng hộ

Theo Bộ Tài chính, Quỹ Vaccine phòng Covid-19 sẽ thực hiện chế độ báo cáo kế toán, quyết toán, công khai tài chính theo quy định của Luật Kế toán và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Quỹ có trách nhiệm thực hiện báo cáo tình hình thu, chi, quyết toán tài chính quỹ để tổng hợp chung nguồn lực báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; Thực hiện công khai số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại (nếu có).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.