Nào chào bán căn hộ chung cư, nào mời vay tiền lãi suất ưu đãi… cứ chờ đúng thời khắc quan trọng thì điện thoại rung bần bật toàn cuộc gọi “rác”.
À tất nhiên, tôi đang nói thời khắc quan trọng của tôi chứ không phải của họ. Vì họ ắt không thể biết lúc gọi thì tôi đang làm gì: Đang dự một sự kiện quan trọng, muộn một cuộc họp hay thậm chí đang hớt hải đưa con vào viện.
Họ chỉ cần hoàn tất định mức mà ông chủ giao: Một ngày gọi tới xyz khách hàng, nếu khách vui vẻ quan tâm thì tốt, khách cáu điên cũng chả sao. Họ đã hoàn tất nhiệm vụ của họ vào thời điểm bạn… nhấc máy.
Nỗi sợ hãi kèm căm ghét những cuộc gọi rác, tin nhắn rác chào mời các dịch vụ đã thành chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi” giờ sắp đến hồi kết.
May mắn thay, Bộ Thông tin và truyền thông đã có giải pháp mạnh tay.
Từ ngày 1/10 tới đây, các thuê bao điện thoại nhắn tin rác, cuộc gọi rác sẽ bị xử phạt tới 100 triệu đồng và bị thu lại số điện thoại theo Nghị định 91/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.
Lần này thì sẽ không có chuyện “nói rồi để đó”, mặc bà con la ó trên mạng xã hội.
Từ ngày 1/10, người dùng có thể phản ánh đến cơ quan chức năng qua đầu số 5656 khi bị làm phiền bởi cuộc gọi, tin nhắn rác.
Cũng qua đầu số này, chủ thuê bao di động có thể đăng ký không nhận hoặc nhận tin nhắn quảng cáo. Điểm mới của Nghị định 91 là xác định rõ như thế nào là tin nhắn rác, như thế nào là tin nhắn quảng cáo mà người dùng muốn nhận. Tất cả đều được quy định cụ thể trên cơ sở được giám sát bằng công nghệ.
Nhiều người tỏ ra nghi ngờ: Các công ty thuê người dùng sim rác nhắn tin quảng cáo thì ai xử? Toàn thuê bao ảo biết phạt ai?
Hoặc giả chính nhà mạng lại gửi tin nhắn quảng cáo gói cước khuyến mại nọ kia thì ai xử lý?
Thực ra lần này, Nghị định mới ban hành đã cơ bản có cơ sở pháp lý phủ sóng toàn bộ các vấn đề. Không chỉ đối với thuê bao trực tiếp vi phạm, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng bị siết chặt hơn trách nhiệm trong việc ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác để bảo vệ người dùng.
Nhà mạng không cung cấp công cụ, ứng dụng cho phép người sử dụng tự chủ động ngăn chặn và phản ảnh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác sẽ bị phạt tiền 50 - 70 triệu đồng.
Trường hợp không thực hiện các biện pháp ngăn chặn tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo có thể bị phạt tiền đến 170 triệu đồng.
Thay cho việc xử lý thủ công, Nghị định 91 yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải áp dụng công nghệ cao, hiện đại như xử lý dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hệ thống chặn, lọc tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Có thể nói lần đầu tiên, một giải pháp công nghệ khá toàn diện được đưa ra để giải quyết một vấn đề dân sinh. Tới đây, người dân có quyền từ chối tin nhắn rác, thậm chí có quyền lựa chọn nhận các loại tin nhắn quảng cáo nào.
Từ câu chuyện khai tử tin nhắn, cuộc gọi rác có thể thấy nếu có tầm nhìn, quyết tâm loại bỏ lợi ích nhóm và ứng dụng công nghệ vào quản trị chắc chắn nhiều vấn đề khác, của ngành khác cũng có thể được giải quyết thấu đáo và hiệu quả.
Chỉ khi nào người dân có quyền từ chối bị làm phiền, nhũng nhiễu; chỉ khi việc tố giác các hành vi sai phạm thành việc thường ngày, lúc đó bộ máy quản lý Nhà nước mới thực sự hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận