10 ngày trước, Hà Nội chọn giữa lúc các ca nhiễm Covid-19 tăng vọt từng ngày để cho học sinh lớp 10,11,12 toàn thành phố trở lại trường khiến hàng chục nghìn phụ huynh lo ngày lo đêm.
Nhiều đại diện Ban phụ huynh lớp gửi kiến nghị lên trường cho con tiếp tục học trực tuyến. Những trường tư có quyền tự chủ thì đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh.
Trường công dù lo lắng vẫn phải theo quy định của thành phố. Trong hai ngày, 3 lần Sở GD&ĐT phải điều chỉnh quy định nhưng vẫn kiên định cho học sinh lớp 12 đến trường học trực tiếp.
Học sinh lớp 12 trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội trở lại trường học trực tiếp từ ngày 6/12 sau nhiều tháng phải học trực tuyến. Ảnh: Tạ Hải
Chỉ sau một tuần, nhiều trường lại phải đóng cửa. Có những giáo viên, học sinh trở thành F0, F1. Quy định thì phải theo, có trường có 1 học sinh đi học vẫn phải mở cổng.
Một trường khác, hiệu trưởng cho biết, có 7 lớp thì 3 lớp học sinh đến học trực tiếp mà không có giáo viên do các thầy, cô trong diện F1 đi cách ly hoặc ở trong vùng phong toả của Hà Nội.
Quan điểm “bình thường mới” khiến nhiều thứ thay đổi từ cực này sang cực kia. Từ cấm đường, cấp thẻ đi đường, lập hàng rào như thời chiến đến việc mở toang hàng quán, lâu lắm không còn thấy xử phạt người không đeo khẩu trang.
“Mở” đến mức học sinh trung học ở Hà Nội mới chỉ tiêm mũi 1 chưa đủ thời gian sinh kháng thể cũng được quyết định cho trở lại trường vào thời điểm dịch tăng cao.
Ai cũng hiểu học sinh ở nhà quá lâu cần thực hiện “quyền được đến trường”, giáo dục phổ thông vẫn phải chủ yếu là trực tiếp nhưng nguyên lý đó lại được đưa ra triển khai sai thời điểm.
Trong khi trước đó, trong cả tháng 10, Hà Nội chỉ có vài ca F0 một ngày nhưng việc cho học sinh trở lại trường đã bị trì hoãn hết lần này đến lần khác với lý do “Hà Nội là nơi giao lưu với nhiều địa phương khác, nguy cơ vẫn cao”.
Nhiều trường huy động giáo viên, nhân viên tổng vệ sinh, khử khuẩn đến lần thứ 9-10 nhưng vẫn “đón hụt” học sinh trở lại.
Chắc hẳn không chỉ ngành giáo dục mới biết, các nhà sản xuất vaccine đều khuyến cáo cơ thể chỉ có thể sinh kháng thể chống virus sau khi tiêm 14 ngày.
Trong khi thời điểm học sinh trung học phải trở lại trường, các em mới chỉ tiêm mũi 1 chưa đầy 10 ngày.
Việc trở lại trường là cần thiết nhưng không thể vội. Không nên tạo thêm áp lực cho cả thầy cô và học sinh vì những quyết định thay đổi quá nhanh gây xáo trộn.
Kỳ lạ hơn nữa, sau khi chấp nhận cho học sinh lớp 10, lớp 11 tiếp tục học trực tuyến thì một số trường ở Hà Nội lại yêu cầu các em đến trường kiểm tra học kỳ… trực tiếp.
Thật khó hiểu nổi yêu cầu này khi một quận trung tâm thành phố là Đống Đa đã sang cấp độ 3, cấm người dân tụ tập quá 10 người ngoài công sở.
Và ngay cả khi lịch tiêm mũi 2 phải chia thành nhiều tốp nhỏ để tránh lây nhiễm. Trong khi đó, chỉ vì bài kiểm tra học kỳ, học sinh lại phải tập trung đến trường.
Tại sao không chờ đến cuối tháng 12, khi học sinh tiêm đủ 2 mũi và đủ thời gian để sinh kháng thể mới đón các em đến trường?
Tại sao lịch kiểm tra học kỳ I nhất định phải tổ chức ngay trong thời điểm Hà Nội đang tăng vọt ca nhiễm lên 1.300 ca mỗi ngày?
Thời điểm TP. Hồ Chí Minh cho học sinh trở lại trường khi một ngày vẫn còn trên dưới 1.000 ca F0 cũng gây nhiều tranh cãi.
Nhưng 1.000 ca F0 đó so với đỉnh dịch thì đã giảm sâu, việc kiểm soát, khoanh vùng chủ động hơn, tỷ lệ tiêm mũi 2 vaccine gần như đã hoàn thành với các em từ 15-17 tuổi.
Điều đó hoàn toàn khác với tình thế của Hà Nội hiện nay, khi đang từ vài ca nhiễm 1 ngày vọt lên hơn 1.000 ca, các em học sinh chưa tiêm đủ 2 mũi.
“Thích ứng, linh hoạt” là nhiệm vụ mới của năm học đang bị tác động sâu bởi Covid-19. Nhưng phát sinh những quy định không đúng thời điểm, không cần thiết để các nhà trường và học sinh phải chạy theo… thích ứng thì thật không đúng với tinh thần “đặt an toàn của học sinh lên hàng đầu”.
Vĩnh Hà
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận