Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 9) có tổng chiều dài 143,6km (đi qua địa phận tỉnh Bình Định 17km, đi qua tỉnh Gia Lai 126,34km), tổng mức đầu tư 3.654,4 tỷ đồng (tương đương 155,8 triệu USD). Dự án do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Trong đó, 17km qua địa bàn tỉnh Bình Định thuộc gói thầu XL01, chủ yếu đi qua huyện Tây Sơn.
Những ngày cuối tháng 6/2024, nhà thầu thi công là Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam cho biết, trên công trường hiện có khoảng 150 công nhân cùng khoảng 100 máy móc, thiết bị với nhiều mũi thi công.
Tại khu vực thi công hạng mục qua đèo An Khê có 60 đầu xe, thiết bị cùng khoảng 80 công nhân. Đây là một hạng mục rất khó khăn, quyết định tiến độ dự án.
Nhà thầu cho biết, phạm vi đèo thi công gặp rất nhiều bất lợi, mặt đường hẹp nhưng lượng xe rất lớn, hễ trời mưa là xảy ra ùn tắc, gây khó khăn cho quá trình triển khai thi công. Hiện nay cơ bản con đường đã thành hình hài, đang chuyển sang giai đoạn thi công lớp cấp phối đá dăm và đã thảm nhựa được 1km phía chân đèo.
Tuy nhiên, một hạng mục quan trọng, ảnh hưởng đến tiến độ của gói XL01 và toàn dự án là thi công cầu Ba La (Km 51+152, qua xã Tây Giang) lại đang bị chậm.
Ông Lê Văn Bảy, Phó giám đốc điều hành gói thầu XL01 cho biết, cầu Ba La có 3 nhịp, hiện đã lao được 2 nhịp, còn nhịp thứ 3 và 2 đầu cầu chưa thể thi công do còn vướng mặt bằng khá lớn. Tại cầu Bàu Sen cách đó 1km vẫn chưa thi công xong cũng do vướng mặt bằng.
Ban Quản lý dự án 2 cho biết, tiến độ Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đang rất gấp. Ban đã chỉ đạo đơn vị thi công tăng cường máy móc, thiết bị và nhân lực trên công trường, ngay khi có mặt bằng ở những đoạn còn lại sẽ tiến hành thi công ngay.
Dự án có gần 1.400 trường hợp bị ảnh hưởng. Tính đến ngày 26/6, còn 26 hộ không nhận tiền đền bù hoặc đòi hỗ trợ thêm, có hộ đã nhận đền bù nhưng không cho thi công.
Theo Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Tây Sơn, suốt nhiều tháng qua, hằng tuần ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Sơn đều trực tiếp đi vận động, tuyên truyền để người dân đồng thuận, sớm giao mặt bằng. Nhờ đó, công tác giải phóng mặt bằng được triển khai nhanh.
Với những hộ còn lại, địa phương đã vận động rất nhiều lần, thậm chí tổ chức nhiều cuộc họp, mời nhưng người dân không chịu đến.
"Hằng ngày, Ban đều cử tổ công tác xuống kiểm kê, rà soát những hộ bị ảnh hưởng, lắng nghe nguyện vọng của người dân. Tinh thần là đảm bảo quyền lợi, không để người dân thiệt thòi.
Tuy nhiên, việc đền bù là theo quy định của Nhà nước, không thể làm khác. Trong trường hợp các hộ dân vẫn nhất quyết không đồng ý, sẽ tiến hành cưỡng chế để đảm bảo thi công đúng theo tiến độ đề ra", lãnh đạo Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Tây Sơn nói.
Đại diện Ban quản lý dự án 2 cho biết thêm, Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên có 8 gói thầu xây lắp, đi qua địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai. Hiện nay, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Gia Lai (chiều dài hơn 126km) nhận được sự đồng thuận của người dân nên việc thi công thuận lợi, nhà thầu đã hoàn thiện xong các hạng mục chính của dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận